Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Đức Phanxicô: "Chúng ta không được hy sinh mạng sống con người trên bàn thờ tiền bạc"


7/14/2015 8:08:55 AMTrong chuyến đi Nam Mỹ, Đức Phanxicô đã làm mọi người ngạc nhiên về những câu tuyên bố rất cứng rắn của mình về hệ thống kinh tế thế giới và đã xin các dân tộc người thổ dân thứ lỗi cho sự đô hộ thực dân trong quá khứ.
PopeFrancis-1.jpg

Sau đây là một số lời tuyên bố đáng nhớ nhất trong chuyến đi ba nước Ecuador, Bôlivia và Paraguay của ngài.

Về kinh tế:

Ecuador: “Ngày nay một người nghèo chết vì đói, vì lạnh sẽ không còn được xem như một tin tức nhưng nếu chỉ số Chứng khoán của các thị trường chính yếu trên thế giới sụt 2 – 3% thì sẽ được xem như một vụ tai tiếng thế giới.”

Bôlivia: “Chúng ta đừng sợ khi nói: Phải có một sự thay đổi thật sự, một thay đổi các cơ cấu.”

Paraguay: “Chắc chắn, đối với một đất nước, sự tăng trưởng kinh tế và việc tạo ra của cải là thật sự cần thiết nhưng phải làm sao để sự tăng trưởng và giàu có này đến với tất cả mọi công dân, không một ai bị loại trừ, chứ không phải chỉ có lợi cho một nhóm thiểu số.”

Nói với các giám đốc hãng, các chính trị gia, các kinh tế gia, Đức Phanxicô xin họ “đừng theo gương mẫu của một nền kinh tế thờ ngẫu tượng, cần hy sinh mạng sống con người trên bàn thờ tiền bạc và trên lợi nhuận”.



Về chế độ thực dân hóa:

Bôlivia: Đức Phanxicô đã “khiêm tốn xin được thứ lỗi không những chỉ các tấn công của chính Giáo hội nhưng cho cả những tội ác phạm đến các dân tộc thiểu số trong suốt thời gian gọi là chinh phục Châu Mỹ”.




Về nạn tham nhũng:

Paraguay: Đức Phanxicô tố cáo nạn tham nhũng là “ung nhọt của một dân tộc”.



Về quan hệ giữa Giáo hội và dân chúng:

Bôlivia: Đức Phanxicô xin Giáo hội đừng rơi vào tình trạng “lú lẫn thiêng liêng, (Alzheimer thiêng liêng), quên đi nguồn gốc khiêm tốn của mình, đừng đối xử có “giai cấp,” tách rời những người bần cùng nhất. Ngài kêu gọi một “cuộc cách mạng” để phúc âm hóa Châu Mỹ, một “tiếng kêu” để “chữa lành các vết thương và để xây dựng các cây cầu.”



Về bảo vệ môi sinh:

Ecuador: “Một chuyện rõ ràng là chúng ta không thể tiếp tục quay lưng với thực tế, với anh em chúng ta, với Mẹ Trái Đất mà để bị cướp phá, phỉ nhổ, tàn phá mà không bị trừng phạt. (…) Đây không phải chỉ đơn thuần là lời dặn dò, nhưng là một đòi hỏi sau bao nhiêu tổn hại do các lạm dụng và sử dụng vô trách nhiệm”.



Về phụ nữ:

Paraguay: “Tôi xúc động và ngưỡng phục vai trò của phụ nữ Paraguay trong giây phút đau thương của Lịch sử”, ngài tuyên bố như trên khi muốn nói đến cuộc chiến tranh Đồng Minh Ba nước (Triple alliance, 1865-1870). Lúc đó quân đội ba nước Ba Tây, Argentina và Uruguay đã tàn sát hàng loạt nam công dân. Paraguay đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh đẫm máu nhất Nam Mỹ. Trước chiến tranh dân số Paraguay có khoảng 525.000 người, sau 5 năm chiến tranh, năm 1871, dân số Paraguay chỉ còn 221.000 người, trong đó chỉ còn 28.000 nam và Paraguay cũng đã phải nhượng nhiều lãnh thổ rộng lớn cho Ba Tây và Argentina.



Về các ý thức hệ:

Paraguay: “Các ý thức hệ luôn có một hồi kết xấu. Chúng không làm cho dân tộc đứng vững, hãy nhìn những gì xảy ra cho các ý thức hệ của thế kỷ vừa qua, nó luôn luôn kết thúc bằng chế độ độc tài (và ý thức hệ đã chấm dứt).

Về Trung Đông:

Bôlivia: “Ngày hôm nay chúng ta khủng khiếp thấy ở Trung Đông và các nơi khác bao nhiêu anh em Kitô hữu bị bách hại, bị tra tấn,” Đức Phanxicô tuyên bố trong cuộc gặp với các Phong trào Bình dân ở Santa Cruz.

“Và chúng ta cũng phải tố cáo điều này: trong trận chiến tranh thế giới thứ ba từng phần mà chúng ta đang sống, có một loại diệt chủng phải được chấm dứt.”

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 13.07.2015/

Le Point.fr, 2015-07-13)
----------------------------------------

XIN GHI NHẬN THÊM 
NHỮNG CÂU NÓI QUAN TRỌNG NHƯ MỘT THÔNG ĐIỆP
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GỞI ĐẾN MỌI NGƯỜI TRONG CHUYẾN TÔNG DU NAM MỸ THÁNG 7/2015.
---oOo---

Đức Thánh Cha Phanxicô & Tổng Thống Paraguay

Một dân tộc vô tình và không có dấn thân, thụ động chấp nhận những gì đang là, thì đó là một dân tộc chết. 
Chúa luôn luôn bên cạnh những ai góp tay nâng đỡ và cải thiện đời sống của con cái Ngài.
Điều quan trọng là các con, những người trẻ, nhận ra rằng hạnh phúc đích thực đến từ việc làm kiến tạo một thế giới thân ái hơn! Hạnh phúc đích thực đến từ việc nhận ra rằng hạnh phúc và khoái lạc không như nhau. Hạnh phúc mang tính đòi hỏi, cần có dấn thân và nỗ lực. Các con quá sức quan trọng, nên không được thỏa mãn với một kiểu sống mê man mất cảm giác!


Hãy tận tâm cho một việc gì đó, cho ai đó. Đừng sợ mạo hiểm. Đừng sợ trao đi cái tốt đẹp nhất của bản thân mình!
Đối thoại phải được xây dựng trên một sự gì đó. Đối thoại bao gồm và cần có một nền văn hóa gặp gỡ. Một sự gặp gỡ biết rằng sự đa dạng không chỉ là điều tốt, mà còn là điều căn thiết. Vậy nên, chúng ta không thể mở đầu được chuyện gì khi cứ nghĩ là người kia sai lầm. Để tìm kiếm lợi ích chung, thì phải bắt đầu từ chính những khác biệt của chúng ta, không ngừng dành chỗ cho các chọn lựa mới.
Đối thoại không phải là thương lượng. Nhiều lần nền văn hóa đối thoại có thể có cả xung khắc. Điều này hợp lý và đáng mong muốn. Đây không phải là chuyện chúng ta phải e ngại hay bác bỏ. Nhưng đúng ra, chúng ta được kêu gọi hãy giải quyết nó.


Các nền văn hóa đích thực không khép kín trong bản thân, nhưng được kêu gọi gặp gỡ các nền văn hóa khác và tạo dựng những thực tế mới. Không có giả định căn bản này, không có nền tảng huynh đệ thân ái này, thật khó để đi đến đối thoại. Nếu ai đó nghĩ rằng có những con người, nền văn hóa, hay vị trí xã hội thứ cấp, hay thuộc tầng lớp thứ ba, thứ tư, thấp hơn nữa … thì chắc chắn mọi chuyện sẽ thật tồi tệ, bởi người ta không có được điều tối thiểu, chính là sự nhìn nhận phẩm giá của người khác
-  Chúng ta tất cả đều cần tất cả mọi người. và một phần căn bản trong việc giúp đỡ người nghèo hệ tại ở cách chúng ta nhìn nhận họ. Một cách tiếp cận hệ tư tưởng thì thật vô ích, cuối cùng nó lợi dụng người nghèo cho các lợi ích chính trị hay cá nhân. Các hệ tư tưởng đến tận cùng thật tồi tệ, thật vô dụng. Các hệ tư tưởng liên hệ với con người một cách không trọn vẹn, yếu ớt và xấu xa. Các hệ tư tưởng không đón nhận con người … Các hệ tư tưởng huyênh hoang rằng chúng làm mọi sự vì con người, nhưng lại chẳng làm được gì cả!


Để thực sự giúp đỡ cho người nghèo, điều trước hết là chúng ta phải thực sự lo cho con người họ, trân trọng sự tốt lành của họ. Và trân trọng họ cũng có nghĩa là sẵn sàng học từ họ. Người nghèo có nhiều điều để dạy chúng ta về nhân cách, sự thiện, và hi sinh. Là Kitô hữu, chúng ta có một lý do nữa để yêu thương và phục vụ người nghèo, là bởi trong họ chúng ta nhìn ra gương mặt và thân thể Chúa Kitô, Đấng đã tự biến mình nên nghèo để làm giàu cho chúng ta bằng sự nghèo của mình … nếu chúng ta không nhìn vào mắt của người mà chúng ta cho tiền, thì chính là chúng ta không biết cảm kích họ. Chúng ta phải tôn trọng người nghèo và không bao giờ được lợi dụng họ để xoa dịu lương tâm mình. Hãy trân trọng người nghèo vì giá trị đích thực của họ.


Mọi quốc gia cần tăng trưởng kinh tế và tạo của cải, cho mỗi một công dân của mình, không loại trừ ai. Việc tạo nên của cải này phải luôn luôn phục vụ cho lợi ích chung, chứ không phải cho một số người. Tôi mong các bạn đừng phục tùng một kiểu kinh tế thờ ngẫu tượng đang hi sinh mạng sống con người trên bàn thờ tiền bạc và lợi nhuận. Trong các nền kinh tế, kinh doanh và chính trị, điều trước hết và trên hết chính là con người, và môi trường mà con người đang sống.
- Tham nhũng là mưng mủ thối nát của một dân tộc.
Đừng sợ mơ những điều vĩ đại!
Giáo dục là hành động yêu thương, như là trao sự sống vậy.


- Tự do là phúc lành mà tất cả chúng ta giờ đây cùng cầu xin. Vì tự do là một món quà của Thiên Chúa, nhưng cần biết đón nhận tự do ấy, cần có một con tim được giải thoát khỏi bao nhiêu ràng buộc, như sự bóc lột, thiếu các phương tiện sinh sống, nghiện ngập ma túy, sầu muộn.
Tự do là có một con tim không bị ràng buộc, có thể nói và làm điều mình nghĩ và cảm thấy.


Tình bạn là một trong những món quà lớn nhất mà một người, một người trẻ có thể có được và trao tặng. Đúng vậy. Thật là khó sống nếu không có bạn hữu.... Một trong những bí quyết lớn nhất của Kitô hữu là được làm bạn với Chúa Giêsu. Các bạn hữu chịu đựng nhau, tháp tùng nhau, bảo vệ nhau. Chúa cũng làm như vậy đối với chúng ta. Ngài chịu đựng chúng ta.
Giáo Hội là người mẹ có tâm hồn rộng mở biết đón tiếp, đón nhận, nhất là những người đang cần được săn sóc nhiều nhất, những người ở trong tình trạng khó khăn lớn hơn. Giáo Hội là căn nhà đón tiếp. Chúng ta có thể hoạt động tốt đẹp dường nào nếu chúng ta khích lệ nhau học ngôn ngữ hiếu khách, đón tiếp! Bao nhiêu vết thương, bao nhiêu tuyệt vọng có thể chữa trị tại nơi mà người ta cảm thấy mình được đón nhận.


- Hiếu khách đối với người đói khát, người nước ngoài, kẻ trần trụi, người bệnh, tù nhân (Xc Mt 25,34-37), với người phong cùi, bất toại. Hiếu khách đối với những người không nghĩ như chúng ta, không có tín ngưỡng hoặc đã đánh mất. Hiếu khách với người bị bách hại, thất nghiệp. Hiếu khách với những nền văn hóa khác.. hiếu khách với người tội lỗi.
Để tìm thiện ích cho người nghèo, điều đầu tiên là biết lo lắng cho con người của họ, đánh giá họ vì lòng tốt của họ. Nhưng việc đánh giá đích thực đòi hỏi phải sẵn sàng học hỏi nơi họ. Người nghèo có rất nhiều để dạy chúng ta trong lãnh vực nhân bản, lòng tốt, hy sinh. Và ngoài ra kitô hữu chúng ta lại còn có một lý do nữa để yêu thương và phục vụ người nghèo: vì nơi họ chúng ta trông thấy gương mặt và thịt xác của Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo nàn để khiến cho chúng ta giàu có nhờ sự nghèo nàn của Ngài (x. “ Cr 8,9).


Lời cầu nguyện làm nổi bật lên điều mà chúng ta đang sống hay đáng lý ra phải sống trong cuộc sống thường ngày. Ít nhất là lời cầu nguyện không muốn trở thành tha hóa hay chỉ là đồ trang sức… Lời cầu nguyện thúc đẩy chúng ta thực thi và kiểm thực điều chúng ta đọc  trong các thánh vịnh “Chúng ta ở trong tay Chúa là Đấng nâng chúng ta dậy từ rác rưởi” (Tv 112,7) và chúng ta phải làm việc để nỗi buồn sầu vì sự khô cằn của chúng ta biến thành cánh đồng phì nhiêu.
Chính niềm tin nơi Chúa Giêsu khiến cho chúng ta gần gũi với cuộc sống của tha nhân và dấn thân sống tình liên đới. Một đức tin không có tình liên đới là một đức tin chết, một đức tin không có Chúa Kitô, không có Thiên Chúa và không có các người anh em khác. Niềm tin nơi Chúa KItô dấy lên khả năng mơ ước một tương lai mới tốt đẹp hơn, và chiến đấu để thực hiện nó. Tôi khích lệ anh chị em tiếp tục là thừa sai khiến cho đức tin lây lan tới mọi người và ở khắp mọi nơi.



http://conggiao.info/news/810/29483/duc-phanxico-chung-ta-khong-duoc-hy-sinh-mang-song-con-nguoi-tren-ban-tho-tien-bac.aspx
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét