Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Hai nông dân đi nhặt 5.000 xác hài nhi

Sunday, July 28, 2013


Đau lòng khi chứng kiến thi thể một thai nhi vứt ngoài đường, ông Hoan bắt đầu đi nhặt xác. Sau đó có thêm thêm ông Đính và 2 người đã đưa về nghĩa địa hàng ngàn xác hài nhi.
Đau lòng với trăm ánh mắt vô tâm
Từ lâu, người dân trong vùng đều biết 2 nông Trần Ngọc Hoan (SN 1955) và Trần Văn Đính (SN 1964, cùng ngụ xã Lộc Thanh, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Ông Hoan kể: "Năm 2009, Mái ấm Tín Thác ở thôn Thanh Xuân 1 có tổ chức đi kêu gọi quyên góp để giúp đỡ những trẻ mồ côi. Tôi với một bà sơ đi trên đường thì gặp một cảnh tượng hãi hùng: Chúng tôi phát hiện một con chó đang ăn cái bọc, bên trong là một hài nhi đã chết. Điều khiến chúng tôi đau lòng nhất là có rất nhiều người ở đó nhưng họ chỉ đứng nhìn bằng ánh mắt hiếu kỳ và vô tâm. Thấy thế tôi cùng một số người kiếm cái bình nhỏ bỏ đứa trẻ vào mang đi chôn cất".
Ngày ngày chăm sóc mộ trẻ.
Từ đó, ông Hoan bắt đầu có những ý tưởng về một nghĩa địa để chôn cất những đứa trẻ bất hạnh. Ông Hoan cho biết: "Tôi cứ âm thầm làm với một suy nghĩ đơn giản. Những người bỏ đi đứa con của mình biết số điện thoại nên họ gọi cho tôi, nói địa điểm và tôi đến mang về chôn. Lúc đầu xây nghĩa địa rất vất vả, đi qua nhà ai đang xây cất tôi liền ghé vào xin vài cân xi măng, vài chục viên gạch. Mãi sau này, nhiều người biết nên tìm đến cho gạch cát. Chúng tôi làm việc này không đòi hỏi tiền lương, tiền công từ ai hết".
Ông Hoan kể tiếp: "Thời gian đầu, không có người hỗ trợ, chúng tôi tìm mua được 1.400 m2 đất để chôn cất những đứa trẻ xấu số. Người ta bán miếng đất ấy với giá 450 triệu đồng, trong khi chúng tôi không ai có đủ tiền mua. Ngày 27 Tết, tôi gọi cho 6 người bạn nhờ giúp đỡ. Họ giúp tôi được 30 triệu đồng để đặt cọc. Trong thời gian chờ đợi những tấm lòng hảo tâm, tôi về lấy sổ đỏ  đi cầm cố được 400 triệu rồi mua luôn mảnh đất ấy làm nghĩa trang. Những sinh linh ấy cũng là một mạng người, nên tôi không có chút do dự trong quyết định này. Nghĩa địa được thành lập năm 2009, lấy tên là Tín Thác và cho đến nay đã chôn 5.000 thi thể hài nhi".
Ông Hoan cứ âm thầm làm công việc thiện nguyện ấy một mình cho đến năm 2011. Đó là khi ông Đính bắt đầu biết đến nghĩa địa này và tìm đến ông Hoan. Ông Đính kể lại: "Tôi làm vườn kế nghĩa địa Tín Thác, thấy các bé được đưa về đây mà rất đau lòng. Tôi xin vào làm. Công việc của tôi là sáng thức dậy lúc 4h, ra các chợ để xin rau, thịt… cho các đứa trẻ mồ côi ở Mái ấm Tín Thác. Người ở chợ Bảo Lộc gọi tôi là "ông áo mưa" vì khi nào tôi cũng chỉ mặc một bộ áo mưa đi xin. Tôi cũng nhận những cuộc điện thoại đi nhặt xác hài nhi. Khi đến những chỗ nhận xác có nhiều người để lại tờ giấy với dòng chữ "Nhờ các bác chôn giùm, xin cảm ơn". Tôi không quan tâm đến người gọi, kể cả chính những người đó là mẹ của đứa trẻ bất hạnh".
Hai người đàn ông âm thầm làm công tác thiện nguyện.
Bỏ con vì sống buông thả
Theo 2 nông dân này, đa số trường hợp phá thai là do suy nghĩ nông cạn và cuộc sống buông thả của cả cha và mẹ những đứa trẻ. Ông Hoan kể: "Có một cô gọi tôi ra chợ Bảo Lộc đưa cho tôi cái hộp đựng đứa trẻ. Nhưng khi về tới nghĩa địa tôi mở hộp ra thì không thấy đầu đứa trẻ đâu. Khi tôi gọi điện gặp bà mẹ, thì người mẹ này khóc rất thảm thiết và luôn miệng nói: "Bác ơi, bác đừng cho chồng con biết, kẻo nó giết con". Cô ta thanh minh rằng "khi có bầu 3 tháng thì chồng con bỏ đi tỉnh khác làm ăn, hơn một tháng anh ấy không gọi điện, con giận quá nên phá bỏ đứa bé. Con bỏ phần đầu hài nhi trong nhà vệ sinh, bây giờ con phải làm sao?". Tôi nói cô ấy tìm cách cho nó vào một cái hộp rồi nhờ người đưa cho tôi. Trong lúc bạn cô ấy đem phần còn lại của đứa trẻ ra tới cửa thì đụng ngay người chồng từ phương xa về. Nhưng người chồng không hề biết, cảnh tượng ấy thật đau lòng".
Rưng rưng nước mắt ông kể tiếp: "Có lần, một phụ nữ có bầu 8 tháng mà còn đi phá thai khiến tôi rất bức xúc. Để có cuộc sống sung túc, cô không quan hệ với cha đứa bé nữa mà quay lại với người đàn ông yêu cô. Người này nói rằng, nếu muốn lấy nhau thì phải bỏ đứa bé. Người phụ nữ ấy đã nhẫn tâm giết đứa con đang mang. Tôi luôn mong muốn mỗi ngày, mỗi giờ không còn phải gặp những cảnh tượng đau lòng ấy".
Mái ấm cho trẻ mồ côi
Bao lâu nay 2 lão nông luôn sát cánh cùng Mái ấm Tín Thác (ở thôn Thanh Xuân 1, xã Lộc Thanh, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Sơ Trương Thị Huyền Diệu cho biết: "Hiện tại, mái ấm nhận nuôi dưỡng gần 100 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Hai chú Hoan, Đính đã "lượm lặt" những đứa trẻ bị bỏ rơi ấy ngay từ khi chúng mới được sinh, mang về đây cho các sơ chăm sóc". Còn ông Nguyễn Thái Hoàn (phó chủ tịch UBND xã Lộc Thanh) cho biết: "Nghĩa địa Tín Thác từ khi thành lập cho đến nay đã chôn 5.000 hài cốt thai nhi. Thời gian qua, chúng tôi có tuyên truyền ngăn cản việc nạo phá thai bừa bãi, nhưng cũng rất khó…".
  Theo Nguoiduatin

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Phá nát vịnh Nha Trang

 
 

Là một trong những vịnh đẹp của thế giới, danh thắng quốc gia và là linh hồn của ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa… thế nhưng vịnh Nha Trang đang bị xâm hại bởi việc san, lấp, lấn biển…

Cấp phép... lấp biển
Năm 1999, dự án đường Trần Phú nối dài (nay là đường Phạm Văn Đồng) thuộc P.Vĩnh Hòa được khởi công nhằm đánh thức tiềm năng du lịch khu vực biển Bãi Tiên, TP.Nha Trang. Ngay thời điểm này, nhiều đại gia bất động sản đã nhắm đến các vị trí “đất vàng” tại đây và không lâu sau khi đường thông tuyến, nhiều dự án du lịch đã được cấp phép ở các bãi biển dọc tuyến đường. Chủ các dự án nhanh chóng giăng dây, dựng tường chắn dọc bờ biển hàng cây số.  Mười năm sau khi đường Phạm Văn Đồng hoàn thành, hình ảnh mà người dân quen nhìn thấy chính là những đoàn xe hạng nặng đua nhau chở đất, đá lấp biển để tạo mặt bằng làm dự án.
 Vịnh Nha Trang
 Quá trình xây dựng các dự án ngầm trên bãi biển đã ít nhiều tác động đến cảnh quan vịnh Nha Trang - Ảnh: Hiền Lương
Hiện nay dọc bờ biển phía bắc TP.Nha Trang có cả chục dự án được cấp phép, trong đó phân nửa đã đi vào hoạt động, số còn lại đang thi công hoặc đã đổ đất tạo mặt bằng. Dù hiệu quả chưa ai đo đếm được, nhưng tất cả đều có điểm chung là đang làm ảnh hưởng đến môi trường vịnh Nha Trang, khi có trên 100 ha bờ biển bị san lấp, mở rộng.
Tại dự án Khu du lịch sinh thái Vân Đăng, do Công ty CP Hồng Hải làm chủ đầu tư, từ nhiều năm nay chủ đầu tư đã đổ hàng chục ngàn mét khối đất, đá xuống biển, mục đích lấn biển thực hiện dự án. Dự án được phê duyệt có tổng diện tích gần 35 ha, nhưng trong đó đến 22,5 ha diện tích mặt biển. Ngoài Vân Đăng còn có các dự án lấp biển tầm cỡ như dự án Khu dân cư Đường Đệ (30 ha); Khu du lịch Sông Lô lấn biển hơn 5 ha; dự án Khu dân cư An Viên nằm phía nam Cầu Đá, toàn bộ vùng vịnh Nha Trang rộng hơn 56 ha nằm gần cửa sông Tắc (Quán Trường) đã bị san lấp… Ngoài ra, hàng loạt dự án như Hoàng Lan, Biển Ngọc, Hải Đăng…, với quy mô hàng chục ngàn mét vuông đã được xây dựng và đi vào hoạt động hoặc đang chờ xây dựng.
Nói như ông Bùi Dũng, Chủ tịch Hội KTS Khánh Hòa: “Không hiểu sao các doanh nghiệp Việt Nam lại thích lấp biển đến thế?".
Không cấp cũng... lấp
Bên cạnh các dự án được cấp phép lấp biển kể trên là những dự án không được cấp phép cũng tranh thủ lấp biển. Đơn cử vào tháng 11.2011, dư luận bức xúc trước việc Công ty TNHH thương mại và du lịch Trọng Điểm (Focus Travel) tự ý tổ chức thi công lấp vịnh Nha Trang làm công viên bến du thuyền quốc tế tại khu vực biển trên đường Phạm Văn Đồng (P.Vĩnh Hòa). Sau đó, công ty trên đã bị Sở TN-MT tỉnh đình chỉ thi công, đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xử phạt mức 200 -300 triệu đồng vì vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ bị Thanh tra Sở VH-TT-DL tỉnh Khánh Hòa xử phạt 25 triệu đồng về hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đến nay, số đất đá san lấp vịnh Nha Trang vẫn còn đó, chưa được hoàn trả.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 6.2013, dù chưa được cấp phép nhưng chi nhánh DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - khách sạn Mường Thanh Nha Trang, thuộc Tập đoàn Mường Thanh (gọi tắt là chi nhánh Mường Thanh Nha Trang) cũng ngang nhiên đào, lấp khu vực biển Hòn Một, P.Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang để làm bãi tắm. Tại đây, bờ biển bị đào bới, hàng ngàn khối san hô (cả san hô sống) lẫn đá cuội bị móc khỏi đáy biển, chất thành đống cao. Sau khi sự việc xảy ra, Sở TN-MT Khánh Hòa có văn bản yêu cầu phía Mường Thanh dừng việc lấp biển; đồng thời báo cáo lên UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo xử lý. Tuy nhiên, hơn 1 tháng trôi qua sự việc vẫn chưa có kết quả.
Việc san lấp vịnh Nha Trang sẽ để lại nhiều hậu quả xấu, nhưng dường như tỉnh Khánh Hòa chưa có những giải pháp mạnh tay để hạn chế.
Dự án ngầm đã "lồi"
Chưa hết lo ngại vì việc cấp phép triển khai 4 dự án ngầm (chưa có bờ biển nào trên cả nước có dự án ngầm) trên bờ biển Nha Trang, dư luận lại "bổ ngửa" khi tại một dự án ngầm bỗng "lồi" lên một ngôi nhà. Cụ thể, 4 dự án ngầm tại công viên bờ biển Nha Trang đang và sắp triển khai gồm: dự án Nha Trang Sao; dự án Công viên Phù Đổng và 2 dự án còn lại được thi công trên diện tích nhà hàng Bốn Mùa cũ. Trong 4 dự án nói trên, dự án của Công ty CP Hải Vân Nam chi nhánh Nha Trang làm chủ đầu tư tại nhà hàng Bốn Mùa có điểm nổi bật là có hệ thống một đường hầm nối từ khách sạn Nha Trang Plaza đi ngầm bên dưới đường Trần Phú rồi ra biển. Hiện nay dự án này cơ bản đã hoàn thành. Nhưng điều đáng nói là dự án ngầm này đã lồi lên khỏi mặt đất khoảng 10 m, vi phạm thiết kế ban đầu.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu tỉnh Khánh Hòa thực hiện đúng với thiết kế nhưng công trình này vẫn "lồi" lên một cách khó hiểu. Tại cuộc họp báo mới đây, trả lời câu hỏi của Thanh Niên vì sao lại có ngôi nhà lồi lên một cách kỳ quặc ngay tại bờ biển Nha Trang, ông Lê Xuân Thân, Phó chủ tịch UBND chỉ trả lời: “Chúng tôi đang chờ kết luận của Thủ tướng sau khi các bộ ngành trung ương tham mưu về vấn đề này”. 

Tiếp tục bít tầm nhìn du khách
Dự án chắn biển có thâm niên nhất tại Nha Trang là khu nghỉ mát Ana Mandara với  diện tích 26.000 m2, đến năm 2022 mới hết hạn thuê đất. Quy mô lớn như vậy, hàng chục năm qua công trình này đã che chắn bờ biển Nha Trang đến hàng trăm mét. Năm 2011, với quyết tâm làm thông thoáng bờ biển, tỉnh Khánh Hòa đã thỏa thuận di dời dự án Ana Mandara trước năm 2015, dù phải đổi cái giá không nhỏ là hoán đổi 20 ha đất tại khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh (thuộc H.Cam Lâm) cho chủ Ana Mandara.
Thế nhưng, đến nay chủ trương này vẫn chưa thực hiện được thì tỉnh Khánh Hòa lại đồng ý quy hoạch xây dựng  dự án công viên bờ biển Phù Đổng, với diện tích lên đến 24.000 m2 do Công ty du lịch Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Dự án này đã án ngữ biển Nha Trang cả nửa cây số. Đáng nói là trước đó, năm 2011, dự án này cũng nằm trong “tầm ngắm” chỉnh trang làm thoáng biển, nhưng nay không hiểu vì sao tỉnh lại cấp phép xây dựng nơi đây thành khu trung tâm thương mại, bãi đậu xe, nhà vệ sinh công cộng... Theo Sở Xây dựng Khánh Hòa, để tránh che khuất tầm nhìn, các dự án tại khu vực công viên Phù Đổng sẽ được hạn chế độ cao xây dựng không quá 8 m từ mặt đất (!?).

Hiền Lương - Nguyễn Chung

Nguồn: TNO

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Giới trẻ "tay không" bước vào thế giới mạng


Giới trẻ Việt đang phải tay không đương đầu những nguy cơ từ thế giới mạng
Để mặc giới trẻ giải quyết những vấn đề như trêu chọc và quấy rối trên mạng, chính là đẩy trẻ rơi vào sự cô đơn trong một xã hội đông đúc cả ngoài đời và trên mạng.

"Tay không" đương đầu

18 tuổi, cô bé L. đã chọn cách uống thuốc diệt cỏ tự tử để phản ứng một trò đùa tai hại của bạn cùng lớp: ghép hình trêu chọc trên Facebook. Câu chuyện xót xa gióng lên tiếng chuông về những nguy cơ từ thế giới mạng đối với giới trẻ, đặc biệt là trẻ đang ở độ tuổi vị thành niên.

Nếu chuyện đó không xảy ra, những ngày này L. chắc đang đang hồi hộp tham gia kỳ thi đại học năm nay. Rồi em sẽ trưởng thành, sẽ chín chắn, và sẽ nhìn sự việc như một trò đùa vớ vẩn. Bởi người trong ảnh không phải là em. Nhưng đó là những năm sau này. Còn giờ đây, điều đó sẽ không diễn ra được nữa. Giá như...

Ở tuổi 18, L. đã không "vượt qua" được sự tức giận, liều lĩnh, dại dột và cả non nớt của những người còn ở ngưỡng vị thành niên vốn mong manh, dễ vỡ. Cái chết của em khiến nhiều phụ huynh "sốc". Nhiều người bắt đầu đổ lỗi cho truyền thông, cho thế giới mạng đã cung cấp công cụ góp phần tạo nên những trò đùa ác ý ấy.

Nhưng thật ngây thơ, và sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì nếu chúng ta chỉ biết trách cứ và đổ lỗi cho thứ vô tri, vô giác như công nghệ. Bởi các tiến bộ kỹ thuật được tạo ra cũng có thể bị dùng vào mục đích xấu, giống như việc dùng nồi áp suất để đánh bom thay vì ninh thịt vậy.

Sự dại dột của L. cho chúng ta thấy, giới trẻ Việt đang "đương đầu" với thời đại bùng nổ của truyền thông mà không có bất cứ sự chuẩn bị nào. Hơn thế, câu chuyện của L. "cảnh tỉnh" cho chúng ta rằng, dù chưa được đề cập nhiều, nhưng hiện tượng trêu chọc, quấy rối trên mạng đang ngày một phổ biến trong xã hội ngày nay. Hơn ai hết, chính các em học sinh, giới trẻ, những người đang tiếp xúc ngày một nhiều với công nghệ có nguy cơ trở thành nạn nhân của những hành động đó.

Trên thế giới, việc trẻ em, đặc biệt là trẻ vị thành niên trở thành nạn nhân của "cyberbully" (trêu chọc, quấy rối trên mạng) đã trở thành hiện tượng từ rất lâu. Cyberbully, được xác định là trêu chọc, ngược đãi, quấy rối người khác trên mạng, qua điện thoại di động, hoặc các thiết bị điện tử khác.

Danh sách những vụ việc kiểu này cứ nối dài theo sự phát triển của công nghệ, độ bao phủ của Internet. Câu chuyện về cô bé 15 tuổi, người Canada, Amanda Todd đã tự vẫn một tháng sau khi bị các bạn cùng lớp đưa tấm hình ngực trần của cô lên mạng cuối năm ngoái, vẫn còn khiến cho những bậc phụ huynh ở nước này thấy sốc.

Hay cái chết của cô bé lớp sáu vào tháng 6-2010 sau khi nhận được những tin nhắn kèm hình ảnh sex từ một bạn trai cùng lớp vẫn gây bàng hoàng cho dư luận ở bang New Jersey, Mỹ. Rồi vụ việc cậu bé 15 tuổi người Anh, Joshua Unsworth, mới hôm đầu tháng 4-2013 được tìm thấy treo cổ trong vườn nhà, sau một tháng trời nhận được những lời nhắn quấy rối, hạ nhục qua mạng xã hội.

Nếu nhìn vào hệ thống giáo dục ở các nước, thì việc tư vấn tâm sinh lý học sinh luôn được các trường chú trọng. Đơn cử như ở Mỹ, ở tất cả các bậc học phổ thông, ngoài các giáo viên, những nhân viên tư vấn tâm lý là những vị trí nằm trong biên chế của trường. Trẻ được học về nhận biết, cách thức phòng chống việc trêu chọc, quấy rối cả trong đời sống hàng ngày lẫn trên mạng, từ người lạ hay chính những người thân quen quanh chúng như bạn bè, gia đình, thầy cô từ những năm tiểu học.

Phạt tù chỉ là bước cuối cùng

Mặc dù được chuẩn bị như vậy, nhưng kết quả của cuộc khảo sát do Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh CDC của Mỹ thực hiện một năm trước, cho thấy, có đến hơn 16% học sinh phổ thông trung học là nạn nhân của việc trêu chọc và quấy rối trên mạng.

Về mặt tâm sinh lý, một nghiên cứu hiện tượng này được công bố trên Tạp chí Sức khoẻ vị thành niên (Journal of Adolescent Health) cho thấy, việc trêu chọc, quấy rối trên mạng có thể gây nên những ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng đối với nạn nhân. Những học sinh là nạn nhân của những hành động trêu chọc, quấy rối trên mạng dễ bỏ học, bị đình chỉ học, rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, hay thường cảm thấy bất an khi ở trường.

Chính bởi những hậu quả đó mà hàng loạt các biện pháp đã được Mỹ áp dụng nhằm ngăn chặn triệt để hiện tượng này. Ngoài việc tăng cường kiến thức cho học sinh, chính quyền các bang còn áp dụng các quy định pháp luật cứng rắn đối với các hành động trêu chọc quấy rối.

Chẳng hạn, cho đến nay đã có 47 bang tại nước Mỹ ban hành các điều luật về xử lý việc quấy rối dưới hình thức sử dụng các phương tiện điện tử. Trong đó 12 bang coi việc quấy rối này là tội hình sự. Ngoài ra các bang khác có các quy định về hình thức phạt, đuổi học đối với các hành vi quấy rối, trêu chọc qua mạng.

Tuy nhiên dù hình thức phạt đuổi học, hay phạt tù chỉ là bước cuối cùng. Và các biện pháp này chỉ có thể thực hiện khi sự việc đã rồi, và những tổn thương về sinh mạng hay tâm lý với trẻ đã thành những vết hằn trong xã hội.

Điều đáng sợ hơn nữa, là các hành động đáng tiếc của các thanh thiếu niên là nạn nhân của việc trêu chọc, quấy rối qua mạng thường khó đoán định. Tâm lý chuẩn bị bước sang ngưỡng cửa trưởng thành khiến các em luôn thấy có trách nhiệm tự mình giải quyết các vấn đề như vậy, cho đến tận khi các em rơi vào bế tắc.

Vậy chúng ta nên làm gì? Cấm không cho trẻ tiếp xúc với công nghệ kỹ thuật, hay mạng xã hội ư? Điều này là phản tác dụng. Ta không thể "bảo bọc" mãi những thanh thiếu niên này như trẻ vài tháng tuổi. Bởi đó cũng là lứa tuổi cần học thêm những kỹ năng học tập, làm việc và sống. Tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật cũng chính là một trong những kỹ năng ấy.

Hơn nữa, ở lứa tuổi tò mò, sẽ chẳng có ai ngăn được các em tìm hiểu. Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo: phòng vẫn hơn chống. Các biện pháp tư vấn tâm lý, giáo dục giới trẻ cách nhận biết, đối phó với những lời lẽ, hành động quấy rối, trêu chọc trên mạng vẫn luôn là biện pháp hữu hiệu hơn cả.

Đã hơn một thập kỷ Internet vào Việt Nam, nhưng cho đến nay hầu như giới trẻ Việt vẫn chưa được chuẩn bị để đối phó với những hành động trêu chọc và quấy rối trên mạng như đã xảy ra với L. Vấn đề "giảm tải" chương trình chính khoá, tăng cường đào tạo kỹ năng sống, cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các em đã tốn không ít giấy mực của báo chí. Nhiều chuyên gia cũng đã đăng đàn để hy vọng góp những tiếng nói vào việc thay đổi phương pháp giáo dục đối với giới trẻ để khi các em "bước chân" vào cuộc sống trưởng thành không lo lắng bị "vấp ngã".

Sự ra đi của L. đã làm dấy lên một loạt những câu hỏi: Liệu trẻ em chỉ cần được ăn uống, có quần áo đẹp, được đến trường đã đủ chưa? Về mặt vật chất "sướng hơn" thời bố mẹ chúng thời thiếu thốn trước đây rồi còn đòi hỏi gì nữa? Việc để mặc cho giới trẻ giải quyết những vấn đề như chuyện trêu chọc và quấy rối trên mạng, chính là chúng ta đã vô tình đẩy trẻ rơi vào sự cô đơn trong một xã hội đông đúc cả ngoài đời và trên mạng.
(Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Báo chí Truyền thông, ĐH Texas tại Austin, Mỹ)
Vũ Tiến Hồng
Nguồn: Tuần VN

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Việt Nam phá giá tiền đồng 1%, đô la tăng giá


Việt Nam phá giá tiền đồng 1%, đô la tăng giá Friday, June 28, 2013 2:29:22 PM 







HÀ NỘI (NV) .-
 Việt Nam phá giá đồng nội tệ 1% đối với đồng đô la Mỹ trong nhu cầu kích thức tăng tưởng, cố tìm cách vực dậy một nền kinh tế có nhiều nỗi khó khăn.
Nhân viên Ngân hàng Thương Mại Á Châu (ACB) xếp những đống tiền khổng lồ do Ngân Hàng Nhà Nước cung cấp, đối phó với thanh khoản thiếu hụt vì dân chúng hối hả rút tiền khi một số xếp cầm đầu bị bắt giam hồi Tháng 8 năm ngoái. (Hình:  HOANG DINH NAM/AFP/GettyImages)

Trong bản thông cáo báo chí ngày Thứ Năm, Ngân Hàng Nhà Nước CSVN giải thích hành động phá giá tiền đồng là nhằm “cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước”.
“Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng cho ngày 28/06/2013 từ mức 20,828 VND/USD lên 21,036 VND/USD (mức điều chỉnh 1%). Với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21,246 VND/USD, tỷ giá sàn là 20,826 VND/USD.” Bản thông cáo báo chí của Ngân Hàng Nhà Nước CSVN ngày 27/6/2013 viết.
Tại các ngân hàng thương mại, giá đô la trao đổi tự do vẫn luôn luôn cao hơn hối suất chính thức do nhà nước ấn định. Giá đô la mua bán tự do tại Hà Nội sáng ngày 27 tháng 6,2013 được các ngân hàng niêm yết ở mức 21,310 đồng/USD chiều mua vào và 21,350 đồng chiều bán ra – không đổi so với chiều  ngày 26 tháng 6. Nhưng bước sang ngày hôm sau, tỷ giá tự do tại Hà Nội sáng ngày 28 tháng 6, 2013 niêm yết ở mức 21,350 đồng/USD chiều mua vào và 21,450 đồng chiều bán ra – tăng 140 đồng chiều mua vào và 100 đồng chiều bán ra so với chiều qua, ngày 27 tháng 6.
Việc Hà Nội phá giá tiền hôm Thứ Năm là lần đầu tiên kể từ tháng 11, 2011 đến nay. Trước đó, tháng 2,2011, Hà Nội đã phá giá đồng bạc tới 8.5%.
Tin tức phá giá tiền diễn ra vào lúc nhà cầm quyền trung ương loan báo tổng sản lượng quốc gia (GDP) gia tăng chút ít trong quý thứ hai. Tăng trưởng kinh tế ở quý thứ hai gia tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, so với tăng trưởng 4.76% của quý thứ nhất.
Con con số thống kê cũng cho thấy 6 tháng đầu năm nay, thâm thủng mậu dịch đã lên tới $1.4 tỉ đô la so với mức thặng dư $155 triệu đô la cùng thời kỳ của năm ngoái.
“Phá giá đồng bạc là chính sách thông thường khi cán cân ngoại thương lại rơi vào thâm thủng”. Tim Condon, trưởng phòng nghiên cứu Á châu của tập đoàn đầu tư ING Group ở Singapore phát biểu”.
Tuy nhiên, khi phá giá tiền như vậy, có những nguy cơ về đảo lộn thị trường trước sự sợ hãi của quần chúng.
“Một trong những nguy cơ chính yếu là lạm phát sẽ gia tăng và những âu lo khi nhà nước lại còn có thể phá giá tiền thêm những lần khác” khiến cho người ta tìm cách tích trữ đồng đô la. Hệ quả kết tiếp là đồng bạc Việt Nam có thể tiếp tục mất giá nhanh chóng trong cơn lốc khủng hoảng tiền tệ, theo sự nhận định của một chuyên viên ngân hàng Mizuho Corporate Bank Ltd., ở Singapore.
Hà Nội hy vọng với các hành động từ bơm tiền cứu thị trường địa ốc, lập công ty mua nợ xấu, hạ lãi suất kích thích tín dụng và phá giá đồng bạc, sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng được 6% vào năm 2014 từ mức độ dự phóng 5.5% cho năm nay. Hà Nội cũng hy vọng lạm phát năm tới trung bình sẽ khoảng 7% cho năm tới qua việc nhà cầm quyền trung ương chỉ thị cho các cơ quan điều hành kinh tế bắt đầu đưa ra các kế hoạch và chỉ tiêu tăng trưởng năm 2014.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% cho năm tới là quá lạc quan nhìn từ những khó khăn chồng chất của Việt Nam, theo sự nhận xét của kinh tế gia Vũ Thành Tự Anh, giáo sư giảng dạy kinh tế tại đại học Sài Gòn qua chương trình Fulbright.
“Điều đó hoàn toàn không thực tế. Nền kinh tế Việt Nam quá yếu.” Ông Vũ Thành Tự Anh nói với hãng thông tấn Reuters.
Chính Tổng Cục Thống Kê của Bộ Kinh Tế CSVN cũng phải nhìn nhận trong bản phúc trình ngày 27 tháng 6, 2013 là “Sản xuất và kinh doanh trong nước đang đối diện với các khó khăn. Nhu cầu của thị trường nội  địa vẫn yếu ớt”. Bản phúc trình viết như vậy và còn nói cái núi nợ xấu khổng lồ trong hệ thống ngân hàng đang trì kéo nền kinh tế xuống.(TN)
 http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=168528&zoneid=1#.Uc4hsfnCTL8

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

http://conggiao.info/news/390/15643/chua-thanh-than-rong-mo-con-tim-cua-tin-huu-cho-thien-chua.aspx

http://conggiao.info/news/390/15643/chua-thanh-than-rong-mo-con-tim-cua-tin-huu-cho-thien-chua.aspx

http://conggiao.info/news/2155/15652/khoa-hoc-toan-hoc-ly-luan-cac-phuong-phap-truyen-dao-cua-giao-si-dong-ten-alexandre-de-rhodes-tai-viet-nam-trong-the-ky-xvii.aspx

http://conggiao.info/news/2155/15652/khoa-hoc-toan-hoc-ly-luan-cac-phuong-phap-truyen-dao-cua-giao-si-dong-ten-alexandre-de-rhodes-tai-viet-nam-trong-the-ky-xvii.aspx

Sự thật là cái chúng ta tiếp tục chạy trốn


Đăng bởi lúc 2:12 Sáng 9/05/13
VRNs (09.05.2013) – Sài Gòn – Ở đây không nêu ra một nghi vấn, mà chính là khẳng định một thực tế của Giáo hội Công giáo Việt Nam trước tình hình bi đát của đất nước hôm nay.
Mới đây, giới quan sát cả trong và ngoài Giáo hội đã hết sức vui mừng và hy vọng khi Hội đồng giám mục Việt Nam – có thể được xem như là cơ quan quyền lực cao nhất của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam – đã bước ra khỏi “sự khôn ngoan” thường thấy để tuyên bố bằng văn bản “Nhận định và góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013)” gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nhân dân cả nước.
Nếu theo dõi phản ứng của các vị giám mục hoàn toàn im lặng, hoặc “thân ai nấy lo”, hoặc “lên tiếng hay không lên tiếng” trong các vụ việc xảy ra trước đây, nhất là vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà (Hà Nội), rồi tiếp sau là hàng loạt các vụ việc khác trên toàn quốc vi phạm trắng trợn quyền con người, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, dân chủ của nhà cầm quyền, trong đó có không ít những vụ sử dụng vũ lực trực tiếp tấn công giáo hội như đập phá ảnh tượng, đền đài, nhà thờ, đánh đập giáo dân, tu sĩ, linh mục… thì bản nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp vừa qua là một dấu son trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng của giáo hội tại đất nước này.
Nhưng sống Tin Mừng khó hơn
Chính xác là quá khó, tuy nhiên đó lại là đòi hỏi sống còn.
Vì vậy, có đáng hổ thẹn khi cái văn bản đi vào lịch sử kia hiện chỉ đang nằm phủ bụi trên bàn của các cha xứ trong suốt hơn hai tháng qua?
“Những điều thiếu xót” trong Kinh Cáo Mình dường như đang xảy ra nơi hội đồng đã ra cái văn bản cực kỳ trí tuệ đó? Thái độ của các giám mục xem ra bằng lòng với việc ban hành mặc chuyện văn bản đó được phổ biến và thực thi ra sao?
Hiện có bao nhiêu người Công giáo biết có sự tồn tại của bản nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp của Hội đồng giám mục Việt Nam? Trong số người biết có mấy người đọc, mấy người hiểu và sống tinh thần của văn bản này?
Có hai lý do để đặt ra những câu hỏi trên. Thứ nhất, thực tế rất ít giáo xứ dám can đảm phổ biến và giải thích cho giáo dân. Thứ hai, trách nhiệm này của các cha xứ là hết sức cần thiết vì cùng lúc đó từng hộ gia đình ở một số đô thị lớn cũng nhận được bản góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp do nhà nước ban hành “cho phép” người dân, trong đó có người Công giáo phải thi hành quyền công dân của mình.
Trong khi, một giáo dân ghi vào bản góp ý “Gia đình tôi chỉ đồng ý với bản nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp của Hội đồng giám mục Việt Nam” gửi lại cho khu phố trưởng thì ngay lập tức bản thân và các thành viên trong nhà bị sách nhiễu. Hai anh em đã căng thẳng với nhau suốt bữa cơm tối giữa sự hiện diện của mẹ già và đàn con cháu, bởi vào chiều cùng ngày, có anh công an khu vực mò đến nhà… Thì tại Tổng giáo phận Sài Gòn, có cha quản hạt sau khi “làm việc” với nhà cầm quyền địa phương đã yêu cầu các cha xứ trong hạt không phổ biến văn bản của hội đồng giám mục nữa.
Rào cản của sự thật toàn vẹn
Trên đây mới là những sự thật liên quan đến văn bản lẫy lừng của các giám mục thời gian qua.
Rộng hơn, người dân Việt Nam thật sự đang cảm thấy mất phương hướng, khiếp sợ trước một xã hội mà cái ác chiếm thế thượng phong.
Ở nhà, vợ chồng mâu thuẫn nhau chỉ vì bất đồng trong việc giáo dục con cái. Thước đo các giá trị bị đảo lộn, dối trá bao trùm khiến bậc làm cha mẹ hôm nay cắn răng dạy con làm người tốt hoặc là phớt lờ để nó “có chỗ đứng” trong cái “lâm bô” văn hóa, đạo đức này.
Đến không khí ngột ngạt ở nơi làm việc. Nếu muốn tồn tại, rồi thăng tiến, người “trưởng thành” nào cũng phải biết khéo léo trong các mối quan hệ trước cả khi chứng tỏ được năng lực chuyên môn. Thậm chí, quan hệ xấu mà làm việc quá tốt thì nguy cơ bị loại còn cao hơn kẻ bất tài. Chưa kể, những người được gọi là đồng nghiệp với nhau phải luôn dòm trước, ngó sau, liếc ngang, liếc dọc trước các cuộc đấu đá nội bộ. May mắn về phe mạnh thì sống, về phe yếu thì toi, còn không về phe nào thì càng tiêu đời sớm.
Ra đường, đọc báo, lên mạng chỉ được nghe, thấy toàn những việc làm tày trời mà phần thiệt hại thuộc về người dân và công ích.
Vào nhà thờ, người Công giáo, đặc biệt người trẻ, ngáp dài với những bài giảng mỹ miều sáo rỗng. Các cha xứ đang cố rũ sạch bụi thế trần, chiêm ngắm sự trên trời khi sợ và gạt mọi biến cố kinh tế, chính trị, xã hội và cả tôn giáo đang hằng ngày bị đe dọa, bị vi phạm ra khỏi nhiệm vụ ngôn sứ để kêu gọi một thứ bác ái ngờ nghệch, rao giảng thứ Tin Mừng mỵ dân.
“Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương” và Thiên Chúa của chúng ta luôn yêu trong sự thật.
Sự thật là chúng ta đang sống dưới một chế độ phi nghĩa, biến chất, tàn bạo được cầm đầu bởi các băng nhóm tư lợi bất tuân pháp luật, sẵn sàng “bán rẻ” tất cả từ tài sản quốc gia (biên cương, hải đảo, tài nguyên, khoáng sản…) cho đến người dân và tất nhiên cả niềm kiêu hãnh dân tộc để vơ vét vào “ngân khố riêng”. Từ đó, kéo theo sự thật người dân bị mất các quyền cơ bản, quốc gia suy yếu, lòng người chia rẻ, nguy cơ mất nước rình rập.
Tại sao chúng ta lại sợ đề cập đến sự thật đang diễn ra mà chỉ muốn nhảy phóc đến các “sự thật trên trời”?
Tất cả hành vi vi phạm các quyền tự do mà người dân Việt Nam đang phải gánh chịu chẳng phải là những rào cản ngăn trở con người đi tìm kiếm sự thật toàn vẹn về chính mình là những hữu thể siêu việt sao?
Sợ nói sự thật sẽ sợ cầu nguyện
Và kết quả là đánh mất hoặc không ý thức được về sức mạnh của mình.
Tưởng tượng có khoảng 7 triệu người Công giáo Việt Nam thường xuyên được nghe biết và ý thức chọn thái độ sống trước các sự thật đang diễn ra trên quê hương mình thì sức mạnh sẽ thuộc về ai và kẻ nào sẽ phải sợ sức mạnh đó?
Có một, hai giáo xứ ở Hà Nội, Sài Gòn đã công khai tổ chức cầu nguyện định kỳ cho công lý và hòa bình. Các thánh lễ đó thu hút đông đảo giáo dân thích nghe và ủng hộ sự thật. Ở đó, người có niềm tin vào sức mạnh của các ơn Chúa Thánh Thần hiểu rằng ơn Chúa chứ không phải là cái gì khác sẽ đến khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho anh Điếu Cày, gia đình chị Tạ Phong Tần, các bạn sinh viên Công giáo Vinh và hàng ngàn người khác đang lâm cảnh lao tù vì chọn sự thật. Và ở đó, xin đừng hiểu người Công giáo đang “chính trị hóa” hành vi tôn giáo, bởi họ chỉ thuần túy cầu nguyện xin lửa từ trời xuống thiêu đốt cái đối nghịch với con người.
Đến đây, một lần nữa chúng ta lại tưởng tượng nếu 8 triệu người Công giáo Việt Nam cùng cầu nguyện…
Hoàng Đang

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Tôi viếng mộ Cố Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM


Bài viết của Bà Kim Hoa

Đọc trên X Café VN bài “Một nén hương cho Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm”. Tôi biết được mộ Ông TT hiện đang nằm trong Nghĩa Trang Lái Thiêu, thuộc Tỉnh Bình Dương.
Ngay ngày Giỗ 45 năm của Ông tôi đã lên kế hoạch phải đến thắp nhang cho Ông trong ngày Giỗ, nhưng rồi tôi không thực hiện được, mãi đến tối hôm qua nghe ông xã nói:
- Mai rảnh không ? Đi Lái Thiêu …
Tôi gật đầu ngay, ông xã biết chắc là không nói ra, nhưng tôi nôn nao có ngày này lắm, ngày anh ấy rãnh rỗi để chở tôi đi viếng mộ Ông TT.
Mười ngày chờ đợi để thực hiện tâm nguyện, sáng nay 12-11-2008, vợ chồng tôi đi honda đến viếng Mộ TT.
Cũng chỉ là địa chỉ Nghĩa Trang Lái Thiêu, Hóa An, Bình Dương, không rõ ràng lắm, khi người đi đường lại nói Lái Thiêu có nhiều nghĩa trang. Chúng tôi cứ đi đại đến nghĩa trang lớn nhất của Lái Thiêu.
Từ Sài Gòn đi Quốc lộ 13 đến ngã tư Cầu Ông Bố chúng tôi rẽ phải, vào khoảng gần 3km cũng bên tay phải, có một cổng nghĩa trang rất lớn, chúng tôi rẽ vào, có một quán cóc trong nghĩa trang, nhưng chúng tôi không dừng lại, vì thấy bên trong có số người thợ đang xây mộ, bèn ghé hỏi thăm:
- Anh ơi! Anh làm ơn cho biết mộ của Ông Diệm nằm ở đâu anh ?
- Anh chị theo con đường này sẽ thấy cái quán, hỏi quán ấy họ chỉ cho, có người dẫn đến tận nơi luôn.
Mừng thầm trong bụng “hỏi thăm dễ quá”, chúng tôi đến quán người ta vừa chỉ. Ông xã ra dấu cho tôi im lặng, anh đến hàng nhang lựa gói nhang lớn nhất, mua thêm cái hộp quẹt, trong khi chờ cô bán hàng thối tiền anh hỏi:
- Cô cho tôi hỏi thăm, mộ Ông Diệm nằm chỗ nào cô có biết, chỉ giùm chúng tôi.
Cô gái trả lời ngay.
- Biết, con dẫn cô chú đi, cô chú có bà con gì không ?
- Không, chúng tôi muốn thăm và thắp nhang cho Ông ấy thôi.
- Cách đây vài ba ngày, có người báo cho chúng con là sẽ có người nước ngoài về thăm mộ Ông ấy, chúng con chờ hoài mà chưa thấy ai.
Thế rồi cô ấy nhanh nhẩu lấy honda đi trước, đưa chúng tôi ra lại đường chính, đi thêm hơn 100m cô dừng lại nơi những ngôi mộ nằm sát bên đường, dựng xe trên thềm đường, cô dẫn vào qua 2 dảy mộ (khoảng 6,7m), cô chỉ “đây là mộ ông Cẩn, mộ Ông Diệm ở bên kia”. Cùng một dãy, cách nhau khoảng hơn 10m, chúng tôi dừng lại Mộ Ông TT bên phải, mộ bà Cố nằm chính giữa, bên trái là mộ ông Nhu.
Còn đang bồi hồi xúc động thì thấy 5,6 người bao quanh chúng tôi. Nhìn họ, tôi nhớ lại những lần đi thăm mộ của ông bà Nội chồng chôn ở nghĩa trang Gò Dưa…
Chúng tôi đốt nhang, vái lạy bà Cố, Ông TT, ông Nhu, tôi dành một ít thắp cho ông Cẩn và bà Xơ tên Isave Trương thị Ba là nữ tu của Dòng Vinh Sơn mà ở đó người ta nói: “Những năm trước chỉ có bà Xơ này đến thắp nhang cho những ngôi Mộ này thôi, giờ bà Xơ ấy đã mất rồi, được chôn ở gần đây”.
Thấy họ vẫn ngồi tại đó như chờ chúng tôi điều gì, tôi nói:
- Đây là mộ của Ông TT ngày xưa của mình, tôi đọc báo thấy họ nói ở đây, nên tìm đến thăm Mộ Ông
Họ nói:
- Chúng tôi ở đây luôn chăm sóc cho phần Mộ của gia đình Ông, cô có tiền đưa chúng tôi để chúng tôi lo cho mộ phần họ.
- Chúng tôi chỉ là người biết tin rồi đi thăm thôi, chúng tôi không là người nhà. Tôi cũng chẳng có tiền, gửi các anh tiền uống cà phê cho vui nhe.
Họ cầm 100 ngàn như không vừa ý, bảo tôi đưa thêm 100 nữa. Họ kể là họ đã chà rửa sạch sẽ những ngôi mộ này như thế nào, có người đặt họ ghi rõ tên Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu trên bia mộ, nhưng họ bị công an Bình Dương gọi lên, bắt xóa hết, chỉ ghi chữ Huynh, chữ Đệ thôi …mộ Ông TT lại bị sứt bể họ phải tô sửa lại …
Tôi lắc đầu, mĩm cười: “Tôi không có tiền, thế nào cũng có người nước ngoài họ về, họ sẽ gởi lại tiền cho các anh”.
Hai chúng tôi đọc kinh, cầu nguyện. Xin Ông TT thương phù hộ, giúp Đất Nước Việt Nam sớm thoát cảnh lầm than, khổ cực …
Tôi thì thầm với Ông TT nhiều điều, thấy họ từ từ bỏ đi hết 4,5 người gì đó. Số còn lại họ than thở:
- Tụi tui mới dọn dẹp chứ tụi nó có làm gì? cô đưa tiền cho tụi nó cũng như không.
Chính tui lau chùi, dọn sạch cỏ hai hôm nay, cô mà lên trước ba ngày cũng không thấy đường đi đâu, cỏ bao phủ hết. Giờ cô cho tụi tui tiền đi, chính tui đắp lại chổ bể ấy, rồi sơn lại chữ mới rõ ràng đó chứ phải tụi nó đâu! Công an kêu tui lên chứ phải nó lên đâu, tụi nó nói dóc không hà.
Nhìn người đàn ông đang ngồi càm ràm bên cạnh, tôi hiểu ra câu chuyện. Việt Nam mình bây giờ là thế, làm ở đâu cũng có bang bệ, vào trong nghĩa trang cũng thế, có trên, có dưới, có cũ, có mới.
Như trong nhà chồng tôi, anh em đều là công nhân, thầu xây dựng, nhưng không làm sao xây được mộ phần Ông Bà Nội của mình, phải giao toàn bộ cho những người quản lý ở nghĩa trang làm. Nếu mình không làm theo quy định (trong im lặng) đó, thì ngày hôm nay mình xây, sáng mai sẽ thấy thành bình địa tất cả, ngoan cố thêm một hai ngày nữa, cũng trở về con số không (0) thế thôi. Trước khi chúng tôi chưa giao mộ phần cho ông chủ lớn ở đó trông coi, thì mỗi lần đến mộ đều có người hầu chuyện, kể công lao chăm sóc hằng ngày …cho đến khi chúng tôi chi tiền trà nước mới để yên. Từ ngày trả công mỗi năm 300.000$ cho 2 ngôi mộ Ông Bà, chúng tôi không còn bị kèo nài mỗi khi lên thăm mộ nữa.
Phía bên mộ Ông Cẩn, chồng tôi cũng đang lắng nghe những người dọn dẹp, và cô bé dẫn đường phàn nàn, (có anh thanh niên bị câm) họ không dám nói gì khi có mặt nhóm người trước, có lẽ họ được những người kia thuê làm, nhìn chung thì họ cũng chịu khó chăm sóc mộ của Tổng Thống mình, những ngôi mộ mà ít khi có thân nhân lui tới, tiếc rằng mình không khá giả chứ tý quà cho họ cũng là phải đạo.
Gởi cho họ và cô bé dẫn dường thêm 100 ngàn nữa chúng tôi cám ơn và mọi người vui vẻ chia tay ra về.
Tôi quay lại, cúi chào Ông TT, “Từ nay con sẽ thường quay lại thăm Ông”.
Kể lại cho mọi người biết. Nếu muốn viếng mộ TT, thì đến ngã tư cầu Ông Bố quẹo phải vào khoảng 3km thấy cổng nghĩa trang đầu tiên (đừng vào cổng), đi quá khoảng gần 300m nữa sẽ thấy quán cóc bên đường, cạnh nghĩa trang. Dừng xe, có đường mòn, đi qua vài nấm mộ là thấy mộ TT ngay, nếu đi honda dắt vào lối này gần mộ TT, dể trông chừng xe hơn.
Nhìn Mộ một Vị Tổng Thống tài ba, nổi tiếng, khắp thế giới mọi người đều ngưỡng mộ Tài, Đức của ông, mà nằm đơn sơ như thế, tên tuổi cũng không được phép ghi chép rõ ràng, tôi không sao cầm được nước mắt. Lòng tự hỏi biết đến ngày nào, người dân Việt nghĩ lại công lao của Ông, mà đặt mộ phần Ông vào một nơi xứng đáng hơn, gần gủi hơn, để mọi người yêu mến Ông được thường xuyên thăm viếng Mộ phần Ông ???
Trích Đôi Dòng Nhìn Lại Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm -
(soạn giả: Quỳnh Hương)

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Hệ lụy từ thủy điện Thượng Kon Tum: Mất rừng, cạn suối


SGGP - 19/01/2013 07:46 1 tin đăng lại

Thủy điện Thượng Kon Tum đang được xây dựng ở đầu nguồn sông Đắk Snghé là một trong những dự án thủy điện lớn, nhưng nó sẽ lấy đi hơn 382ha rừng phòng hộ đầu nguồn của tỉnh Kon Tum và khi đi vào vận hành sẽ làm cạn khô sông suối ở hạ lưu vì nó chuyển nước sang sông Trà Khúc (Quảng Ngãi).

Mất rừng phòng hộ đầu nguồn
Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Bình Định) làm chủ đầu tư có công suất 220MW và điện lượng trung bình hàng năm khoảng 1.094 triệu kWh, được khởi công xây dựng vào ngày 27-9-2009. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, được xây dựng theo phương án chuyển nước sang lưu vực sông Trà Khúc.
Cụm công trình đầu mối và hồ chứa (diện tích khoảng 374km²) nằm trên địa bàn các xã Măng Cành, Đắk Tăng (huyện Kon Plông) và Đắk Kôi (huyện Kon Rẫy), còn nhà máy đặt trong đường hầm dẫn nước dài khoảng 25km đi qua núi ở xã Ngọc Tem (huyện Kon Plông) của tỉnh Kon Tum. Tổng diện tích đất đai chiếm dụng để xây dựng thủy điện này khoảng 782ha, trong đó có 414 đất rừng tự nhiên và 135ha đất sản xuất nông nghiệp thu hồi của 154 hộ dân trong vùng.
Nhiều cánh rừng phòng hộ ở tỉnh Kon Tum sẽ bị chuyển đổi để làm thủy điện Thượng Kon Tum.
Thủy điện Thượng Kon Tum được xây dựng tại đầu nguồn sông Đắk Snghé. Khu vực này nằm trọn trong cao nguyên Kon Tum với hệ sinh thái phong phú, đa dạng và những cánh rừng đầu nguồn có độ che phủ cao nhất nước, ở các xã Đắk Tăng, Măng Bút (huyện Kon Plông), một phần thuộc các huyện Kon Rẫy, Tu Mơ Rông. Khu vực này có vai trò bảo vệ và điều tiết nguồn nước cho vùng hạ lưu và cả hệ thống sông Sê San. Trong 414ha rừng tự nhiên chuyển đổi làm công trình này, có tới hơn 382ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Theo quan sát của chúng tôi, những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn này rất rậm rạp và có nhiều cây gỗ lớn. Từ trên tỉnh lộ 676 xuống sông Đắk Snghé là những cánh rừng xanh thẳm với hệ sinh thái phong phú và đa dạng.
Cạn khô sông suối
Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum nằm trên thượng nguồn sông Đắk Snghé và đây là công trình thủy điện cuối cùng trên bậc thang năng lượng của sông Sê San. Sông Đắk Snghé chảy từ độ cao 1.780m, băng qua dãy núi Đắk Khích và Đắk Chun rồi đổ về sông Đắk Bla. Nhưng thay vì nhận nước từ sông Đắk Snghé và đổ về hạ lưu, Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum sẽ đổ nước về sông Trà Khúc với tần suất 11,89m3/s. Và như thế, sông Đắk Snghé sẽ thường xuyên khô cạn và không còn nước cung cấp cho sông Đắk Bla, một trong 3 chi lưu lớn của sông Sê San.

Theo ông Nguyễn Thanh Cao, Chủ tịch Liên hiệp Các hội KH-KT tỉnh Kon Tum, việc chuyển nước từ Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum sang sông Trà Khúc sẽ tác động tiêu cực đến tính đa dạng sinh học và sinh kế vùng hạ lưu sông khi khoảng 40km từ đập thủy điện đến đoạn hợp lưu với sông Đắk Bla bị cạn khô nước. Trên đoạn sông này không có suối lớn mà chỉ có các con suối nhỏ nên thường cạn kiệt vào mùa khô và không đủ cấp nước cho sông Đắk Snghé. Khi hình thành hồ chứa, đoạn sông này sẽ không được cấp nước và nguy cơ trở thành “sông chết”.
Trong đề án “Đánh giá những tác động, ảnh hưởng đến chế độ thủy văn và môi trường lưu vực sông Đắk Snghé và sông Đắk Bla sau khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước” do Viện Tư vấn phát triển (CODE) và Liên hiệp Các hội KH-KT tỉnh Kon Tum phối hợp thực hiện, các nhà khoa học cũng cho rằng, việc chuyển nước sang sông Trà Khúc sẽ làm suy giảm dòng chảy của con sông Đắk Bla, nhất là vào mùa khô. Từ đó, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng nguồn nước, môi trường sống của hàng trăm ngàn hộ dân thành phố Kon Tum vì sông Đắk Bla chảy qua thành phố này. Việc chuyển nước xuống sông Trà Khúc cũng sẽ làm giảm khoảng 7,7% lưu lượng nước sông Sê San và giảm khoảng 321 triệu KWh của các nhà máy thủy điện trên sông Sê San gồm: Ialy, Sê San 3, Sê San 3A và Sê San 4.
Khi Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum tích nước, sông Đắk Bla sẽ thường xuyên cạn nước vào mùa khô và từ đó ảnh hưởng đến đời sống hàng trăm ngàn hộ dân thành phố Kon Tum.
“Tiền trảm, hậu tấu”?
Mặc dù chưa được đồng ý chuyển đổi hàng trăm hécta rừng phòng hộ đầu nguồn, nhưng chủ đầu tư công trình thủy điện Thượng Kon Tum vẫn khởi công xây dựng. Sau một thời gian thi công, hiện giờ chủ đầu tư mới bắt đầu sốt sắng lo chuyển đổi rừng phòng hộ đầu nguồn cho công trình này. Để hợp thức hóa việc chuyển đổi rừng cho công trình này, ngày 4-10-2012, UBND tỉnh Kon Tum có công văn 1793/UBND-KTN gửi Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT xin chuyển 68,76ha đất lúa nước và 382,29ha rừng phòng hộ đầu nguồn để làm thủy điện Thượng Kon Tum. Nhưng theo công văn trả lời ngày 4-12-2012 của Bộ NN-PTNT, việc chuyển đổi đất lúa nước được thực hiện theo Nghị định số 42 ra ngày 11-5-2012 của Chính phủ và tỉnh phải có phương án bù đắp diện tích đất lúa chuyển đổi. Còn việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ đầu nguồn trên 50ha phải báo cáo Quốc hội theo Nghị quyết số 49 ra ngày 19-6-2010 của Quốc hội.
Ông Nguyễn Thúc Chân lại nói rằng vì công trình chưa tích nước nên rừng chưa bị ngập, vì thế đơn vị vừa xây dựng vừa chờ việc chuyển đổi rừng phòng hộ cũng được (?). Như vậy, phải chăng chủ đầu tư đã “tiền trảm, hậu tấu” trong việc chuyển đổi rừng phòng hộ đầu nguồn để xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum?
Phá vỡ hệ sinh thái
Theo kết quả khảo sát năm 2007 của Viện Sinh học nhiệt đới, quần thể rừng Kon Plông có diện tích hơn 65.000ha, nằm trong khu vực sinh thái vùng núi cao Kon Tum và có quần thể rừng đa dạng với 644 loài cây. Khu vực này cũng là nơi cư trú của nhiều loài thực vật, chim, thú, bò sát được đưa vào danh sách các loài bị đe dọa trên phạm vi toàn cầu.
Trong khi đó, nơi xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum cũng là vùng có tiềm năng về tài nguyên rừng và đa dạng sinh học của quần thể rừng Kon Plông, trong đó, khu vực lòng hồ có độ che phủ rừng cao nhất cả nước (85%). Vì thế, việc xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum tại đây sẽ ảnh hưởng bất lợi đối với khả năng phòng hộ, điều tiết nước cho hệ thống sông Sê San và các sông suối phía Đông Trường Sơn cũng như tiềm năng du lịch sinh thái quốc gia trên cao nguyên Măng Đen.
CÔNG HOAN