Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Hai nông dân đi nhặt 5.000 xác hài nhi

Sunday, July 28, 2013


Đau lòng khi chứng kiến thi thể một thai nhi vứt ngoài đường, ông Hoan bắt đầu đi nhặt xác. Sau đó có thêm thêm ông Đính và 2 người đã đưa về nghĩa địa hàng ngàn xác hài nhi.
Đau lòng với trăm ánh mắt vô tâm
Từ lâu, người dân trong vùng đều biết 2 nông Trần Ngọc Hoan (SN 1955) và Trần Văn Đính (SN 1964, cùng ngụ xã Lộc Thanh, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Ông Hoan kể: "Năm 2009, Mái ấm Tín Thác ở thôn Thanh Xuân 1 có tổ chức đi kêu gọi quyên góp để giúp đỡ những trẻ mồ côi. Tôi với một bà sơ đi trên đường thì gặp một cảnh tượng hãi hùng: Chúng tôi phát hiện một con chó đang ăn cái bọc, bên trong là một hài nhi đã chết. Điều khiến chúng tôi đau lòng nhất là có rất nhiều người ở đó nhưng họ chỉ đứng nhìn bằng ánh mắt hiếu kỳ và vô tâm. Thấy thế tôi cùng một số người kiếm cái bình nhỏ bỏ đứa trẻ vào mang đi chôn cất".
Ngày ngày chăm sóc mộ trẻ.
Từ đó, ông Hoan bắt đầu có những ý tưởng về một nghĩa địa để chôn cất những đứa trẻ bất hạnh. Ông Hoan cho biết: "Tôi cứ âm thầm làm với một suy nghĩ đơn giản. Những người bỏ đi đứa con của mình biết số điện thoại nên họ gọi cho tôi, nói địa điểm và tôi đến mang về chôn. Lúc đầu xây nghĩa địa rất vất vả, đi qua nhà ai đang xây cất tôi liền ghé vào xin vài cân xi măng, vài chục viên gạch. Mãi sau này, nhiều người biết nên tìm đến cho gạch cát. Chúng tôi làm việc này không đòi hỏi tiền lương, tiền công từ ai hết".
Ông Hoan kể tiếp: "Thời gian đầu, không có người hỗ trợ, chúng tôi tìm mua được 1.400 m2 đất để chôn cất những đứa trẻ xấu số. Người ta bán miếng đất ấy với giá 450 triệu đồng, trong khi chúng tôi không ai có đủ tiền mua. Ngày 27 Tết, tôi gọi cho 6 người bạn nhờ giúp đỡ. Họ giúp tôi được 30 triệu đồng để đặt cọc. Trong thời gian chờ đợi những tấm lòng hảo tâm, tôi về lấy sổ đỏ  đi cầm cố được 400 triệu rồi mua luôn mảnh đất ấy làm nghĩa trang. Những sinh linh ấy cũng là một mạng người, nên tôi không có chút do dự trong quyết định này. Nghĩa địa được thành lập năm 2009, lấy tên là Tín Thác và cho đến nay đã chôn 5.000 thi thể hài nhi".
Ông Hoan cứ âm thầm làm công việc thiện nguyện ấy một mình cho đến năm 2011. Đó là khi ông Đính bắt đầu biết đến nghĩa địa này và tìm đến ông Hoan. Ông Đính kể lại: "Tôi làm vườn kế nghĩa địa Tín Thác, thấy các bé được đưa về đây mà rất đau lòng. Tôi xin vào làm. Công việc của tôi là sáng thức dậy lúc 4h, ra các chợ để xin rau, thịt… cho các đứa trẻ mồ côi ở Mái ấm Tín Thác. Người ở chợ Bảo Lộc gọi tôi là "ông áo mưa" vì khi nào tôi cũng chỉ mặc một bộ áo mưa đi xin. Tôi cũng nhận những cuộc điện thoại đi nhặt xác hài nhi. Khi đến những chỗ nhận xác có nhiều người để lại tờ giấy với dòng chữ "Nhờ các bác chôn giùm, xin cảm ơn". Tôi không quan tâm đến người gọi, kể cả chính những người đó là mẹ của đứa trẻ bất hạnh".
Hai người đàn ông âm thầm làm công tác thiện nguyện.
Bỏ con vì sống buông thả
Theo 2 nông dân này, đa số trường hợp phá thai là do suy nghĩ nông cạn và cuộc sống buông thả của cả cha và mẹ những đứa trẻ. Ông Hoan kể: "Có một cô gọi tôi ra chợ Bảo Lộc đưa cho tôi cái hộp đựng đứa trẻ. Nhưng khi về tới nghĩa địa tôi mở hộp ra thì không thấy đầu đứa trẻ đâu. Khi tôi gọi điện gặp bà mẹ, thì người mẹ này khóc rất thảm thiết và luôn miệng nói: "Bác ơi, bác đừng cho chồng con biết, kẻo nó giết con". Cô ta thanh minh rằng "khi có bầu 3 tháng thì chồng con bỏ đi tỉnh khác làm ăn, hơn một tháng anh ấy không gọi điện, con giận quá nên phá bỏ đứa bé. Con bỏ phần đầu hài nhi trong nhà vệ sinh, bây giờ con phải làm sao?". Tôi nói cô ấy tìm cách cho nó vào một cái hộp rồi nhờ người đưa cho tôi. Trong lúc bạn cô ấy đem phần còn lại của đứa trẻ ra tới cửa thì đụng ngay người chồng từ phương xa về. Nhưng người chồng không hề biết, cảnh tượng ấy thật đau lòng".
Rưng rưng nước mắt ông kể tiếp: "Có lần, một phụ nữ có bầu 8 tháng mà còn đi phá thai khiến tôi rất bức xúc. Để có cuộc sống sung túc, cô không quan hệ với cha đứa bé nữa mà quay lại với người đàn ông yêu cô. Người này nói rằng, nếu muốn lấy nhau thì phải bỏ đứa bé. Người phụ nữ ấy đã nhẫn tâm giết đứa con đang mang. Tôi luôn mong muốn mỗi ngày, mỗi giờ không còn phải gặp những cảnh tượng đau lòng ấy".
Mái ấm cho trẻ mồ côi
Bao lâu nay 2 lão nông luôn sát cánh cùng Mái ấm Tín Thác (ở thôn Thanh Xuân 1, xã Lộc Thanh, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Sơ Trương Thị Huyền Diệu cho biết: "Hiện tại, mái ấm nhận nuôi dưỡng gần 100 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Hai chú Hoan, Đính đã "lượm lặt" những đứa trẻ bị bỏ rơi ấy ngay từ khi chúng mới được sinh, mang về đây cho các sơ chăm sóc". Còn ông Nguyễn Thái Hoàn (phó chủ tịch UBND xã Lộc Thanh) cho biết: "Nghĩa địa Tín Thác từ khi thành lập cho đến nay đã chôn 5.000 hài cốt thai nhi. Thời gian qua, chúng tôi có tuyên truyền ngăn cản việc nạo phá thai bừa bãi, nhưng cũng rất khó…".
  Theo Nguoiduatin

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Phá nát vịnh Nha Trang

 
 

Là một trong những vịnh đẹp của thế giới, danh thắng quốc gia và là linh hồn của ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa… thế nhưng vịnh Nha Trang đang bị xâm hại bởi việc san, lấp, lấn biển…

Cấp phép... lấp biển
Năm 1999, dự án đường Trần Phú nối dài (nay là đường Phạm Văn Đồng) thuộc P.Vĩnh Hòa được khởi công nhằm đánh thức tiềm năng du lịch khu vực biển Bãi Tiên, TP.Nha Trang. Ngay thời điểm này, nhiều đại gia bất động sản đã nhắm đến các vị trí “đất vàng” tại đây và không lâu sau khi đường thông tuyến, nhiều dự án du lịch đã được cấp phép ở các bãi biển dọc tuyến đường. Chủ các dự án nhanh chóng giăng dây, dựng tường chắn dọc bờ biển hàng cây số.  Mười năm sau khi đường Phạm Văn Đồng hoàn thành, hình ảnh mà người dân quen nhìn thấy chính là những đoàn xe hạng nặng đua nhau chở đất, đá lấp biển để tạo mặt bằng làm dự án.
 Vịnh Nha Trang
 Quá trình xây dựng các dự án ngầm trên bãi biển đã ít nhiều tác động đến cảnh quan vịnh Nha Trang - Ảnh: Hiền Lương
Hiện nay dọc bờ biển phía bắc TP.Nha Trang có cả chục dự án được cấp phép, trong đó phân nửa đã đi vào hoạt động, số còn lại đang thi công hoặc đã đổ đất tạo mặt bằng. Dù hiệu quả chưa ai đo đếm được, nhưng tất cả đều có điểm chung là đang làm ảnh hưởng đến môi trường vịnh Nha Trang, khi có trên 100 ha bờ biển bị san lấp, mở rộng.
Tại dự án Khu du lịch sinh thái Vân Đăng, do Công ty CP Hồng Hải làm chủ đầu tư, từ nhiều năm nay chủ đầu tư đã đổ hàng chục ngàn mét khối đất, đá xuống biển, mục đích lấn biển thực hiện dự án. Dự án được phê duyệt có tổng diện tích gần 35 ha, nhưng trong đó đến 22,5 ha diện tích mặt biển. Ngoài Vân Đăng còn có các dự án lấp biển tầm cỡ như dự án Khu dân cư Đường Đệ (30 ha); Khu du lịch Sông Lô lấn biển hơn 5 ha; dự án Khu dân cư An Viên nằm phía nam Cầu Đá, toàn bộ vùng vịnh Nha Trang rộng hơn 56 ha nằm gần cửa sông Tắc (Quán Trường) đã bị san lấp… Ngoài ra, hàng loạt dự án như Hoàng Lan, Biển Ngọc, Hải Đăng…, với quy mô hàng chục ngàn mét vuông đã được xây dựng và đi vào hoạt động hoặc đang chờ xây dựng.
Nói như ông Bùi Dũng, Chủ tịch Hội KTS Khánh Hòa: “Không hiểu sao các doanh nghiệp Việt Nam lại thích lấp biển đến thế?".
Không cấp cũng... lấp
Bên cạnh các dự án được cấp phép lấp biển kể trên là những dự án không được cấp phép cũng tranh thủ lấp biển. Đơn cử vào tháng 11.2011, dư luận bức xúc trước việc Công ty TNHH thương mại và du lịch Trọng Điểm (Focus Travel) tự ý tổ chức thi công lấp vịnh Nha Trang làm công viên bến du thuyền quốc tế tại khu vực biển trên đường Phạm Văn Đồng (P.Vĩnh Hòa). Sau đó, công ty trên đã bị Sở TN-MT tỉnh đình chỉ thi công, đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xử phạt mức 200 -300 triệu đồng vì vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ bị Thanh tra Sở VH-TT-DL tỉnh Khánh Hòa xử phạt 25 triệu đồng về hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đến nay, số đất đá san lấp vịnh Nha Trang vẫn còn đó, chưa được hoàn trả.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 6.2013, dù chưa được cấp phép nhưng chi nhánh DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - khách sạn Mường Thanh Nha Trang, thuộc Tập đoàn Mường Thanh (gọi tắt là chi nhánh Mường Thanh Nha Trang) cũng ngang nhiên đào, lấp khu vực biển Hòn Một, P.Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang để làm bãi tắm. Tại đây, bờ biển bị đào bới, hàng ngàn khối san hô (cả san hô sống) lẫn đá cuội bị móc khỏi đáy biển, chất thành đống cao. Sau khi sự việc xảy ra, Sở TN-MT Khánh Hòa có văn bản yêu cầu phía Mường Thanh dừng việc lấp biển; đồng thời báo cáo lên UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo xử lý. Tuy nhiên, hơn 1 tháng trôi qua sự việc vẫn chưa có kết quả.
Việc san lấp vịnh Nha Trang sẽ để lại nhiều hậu quả xấu, nhưng dường như tỉnh Khánh Hòa chưa có những giải pháp mạnh tay để hạn chế.
Dự án ngầm đã "lồi"
Chưa hết lo ngại vì việc cấp phép triển khai 4 dự án ngầm (chưa có bờ biển nào trên cả nước có dự án ngầm) trên bờ biển Nha Trang, dư luận lại "bổ ngửa" khi tại một dự án ngầm bỗng "lồi" lên một ngôi nhà. Cụ thể, 4 dự án ngầm tại công viên bờ biển Nha Trang đang và sắp triển khai gồm: dự án Nha Trang Sao; dự án Công viên Phù Đổng và 2 dự án còn lại được thi công trên diện tích nhà hàng Bốn Mùa cũ. Trong 4 dự án nói trên, dự án của Công ty CP Hải Vân Nam chi nhánh Nha Trang làm chủ đầu tư tại nhà hàng Bốn Mùa có điểm nổi bật là có hệ thống một đường hầm nối từ khách sạn Nha Trang Plaza đi ngầm bên dưới đường Trần Phú rồi ra biển. Hiện nay dự án này cơ bản đã hoàn thành. Nhưng điều đáng nói là dự án ngầm này đã lồi lên khỏi mặt đất khoảng 10 m, vi phạm thiết kế ban đầu.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu tỉnh Khánh Hòa thực hiện đúng với thiết kế nhưng công trình này vẫn "lồi" lên một cách khó hiểu. Tại cuộc họp báo mới đây, trả lời câu hỏi của Thanh Niên vì sao lại có ngôi nhà lồi lên một cách kỳ quặc ngay tại bờ biển Nha Trang, ông Lê Xuân Thân, Phó chủ tịch UBND chỉ trả lời: “Chúng tôi đang chờ kết luận của Thủ tướng sau khi các bộ ngành trung ương tham mưu về vấn đề này”. 

Tiếp tục bít tầm nhìn du khách
Dự án chắn biển có thâm niên nhất tại Nha Trang là khu nghỉ mát Ana Mandara với  diện tích 26.000 m2, đến năm 2022 mới hết hạn thuê đất. Quy mô lớn như vậy, hàng chục năm qua công trình này đã che chắn bờ biển Nha Trang đến hàng trăm mét. Năm 2011, với quyết tâm làm thông thoáng bờ biển, tỉnh Khánh Hòa đã thỏa thuận di dời dự án Ana Mandara trước năm 2015, dù phải đổi cái giá không nhỏ là hoán đổi 20 ha đất tại khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh (thuộc H.Cam Lâm) cho chủ Ana Mandara.
Thế nhưng, đến nay chủ trương này vẫn chưa thực hiện được thì tỉnh Khánh Hòa lại đồng ý quy hoạch xây dựng  dự án công viên bờ biển Phù Đổng, với diện tích lên đến 24.000 m2 do Công ty du lịch Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Dự án này đã án ngữ biển Nha Trang cả nửa cây số. Đáng nói là trước đó, năm 2011, dự án này cũng nằm trong “tầm ngắm” chỉnh trang làm thoáng biển, nhưng nay không hiểu vì sao tỉnh lại cấp phép xây dựng nơi đây thành khu trung tâm thương mại, bãi đậu xe, nhà vệ sinh công cộng... Theo Sở Xây dựng Khánh Hòa, để tránh che khuất tầm nhìn, các dự án tại khu vực công viên Phù Đổng sẽ được hạn chế độ cao xây dựng không quá 8 m từ mặt đất (!?).

Hiền Lương - Nguyễn Chung

Nguồn: TNO

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Giới trẻ "tay không" bước vào thế giới mạng


Giới trẻ Việt đang phải tay không đương đầu những nguy cơ từ thế giới mạng
Để mặc giới trẻ giải quyết những vấn đề như trêu chọc và quấy rối trên mạng, chính là đẩy trẻ rơi vào sự cô đơn trong một xã hội đông đúc cả ngoài đời và trên mạng.

"Tay không" đương đầu

18 tuổi, cô bé L. đã chọn cách uống thuốc diệt cỏ tự tử để phản ứng một trò đùa tai hại của bạn cùng lớp: ghép hình trêu chọc trên Facebook. Câu chuyện xót xa gióng lên tiếng chuông về những nguy cơ từ thế giới mạng đối với giới trẻ, đặc biệt là trẻ đang ở độ tuổi vị thành niên.

Nếu chuyện đó không xảy ra, những ngày này L. chắc đang đang hồi hộp tham gia kỳ thi đại học năm nay. Rồi em sẽ trưởng thành, sẽ chín chắn, và sẽ nhìn sự việc như một trò đùa vớ vẩn. Bởi người trong ảnh không phải là em. Nhưng đó là những năm sau này. Còn giờ đây, điều đó sẽ không diễn ra được nữa. Giá như...

Ở tuổi 18, L. đã không "vượt qua" được sự tức giận, liều lĩnh, dại dột và cả non nớt của những người còn ở ngưỡng vị thành niên vốn mong manh, dễ vỡ. Cái chết của em khiến nhiều phụ huynh "sốc". Nhiều người bắt đầu đổ lỗi cho truyền thông, cho thế giới mạng đã cung cấp công cụ góp phần tạo nên những trò đùa ác ý ấy.

Nhưng thật ngây thơ, và sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì nếu chúng ta chỉ biết trách cứ và đổ lỗi cho thứ vô tri, vô giác như công nghệ. Bởi các tiến bộ kỹ thuật được tạo ra cũng có thể bị dùng vào mục đích xấu, giống như việc dùng nồi áp suất để đánh bom thay vì ninh thịt vậy.

Sự dại dột của L. cho chúng ta thấy, giới trẻ Việt đang "đương đầu" với thời đại bùng nổ của truyền thông mà không có bất cứ sự chuẩn bị nào. Hơn thế, câu chuyện của L. "cảnh tỉnh" cho chúng ta rằng, dù chưa được đề cập nhiều, nhưng hiện tượng trêu chọc, quấy rối trên mạng đang ngày một phổ biến trong xã hội ngày nay. Hơn ai hết, chính các em học sinh, giới trẻ, những người đang tiếp xúc ngày một nhiều với công nghệ có nguy cơ trở thành nạn nhân của những hành động đó.

Trên thế giới, việc trẻ em, đặc biệt là trẻ vị thành niên trở thành nạn nhân của "cyberbully" (trêu chọc, quấy rối trên mạng) đã trở thành hiện tượng từ rất lâu. Cyberbully, được xác định là trêu chọc, ngược đãi, quấy rối người khác trên mạng, qua điện thoại di động, hoặc các thiết bị điện tử khác.

Danh sách những vụ việc kiểu này cứ nối dài theo sự phát triển của công nghệ, độ bao phủ của Internet. Câu chuyện về cô bé 15 tuổi, người Canada, Amanda Todd đã tự vẫn một tháng sau khi bị các bạn cùng lớp đưa tấm hình ngực trần của cô lên mạng cuối năm ngoái, vẫn còn khiến cho những bậc phụ huynh ở nước này thấy sốc.

Hay cái chết của cô bé lớp sáu vào tháng 6-2010 sau khi nhận được những tin nhắn kèm hình ảnh sex từ một bạn trai cùng lớp vẫn gây bàng hoàng cho dư luận ở bang New Jersey, Mỹ. Rồi vụ việc cậu bé 15 tuổi người Anh, Joshua Unsworth, mới hôm đầu tháng 4-2013 được tìm thấy treo cổ trong vườn nhà, sau một tháng trời nhận được những lời nhắn quấy rối, hạ nhục qua mạng xã hội.

Nếu nhìn vào hệ thống giáo dục ở các nước, thì việc tư vấn tâm sinh lý học sinh luôn được các trường chú trọng. Đơn cử như ở Mỹ, ở tất cả các bậc học phổ thông, ngoài các giáo viên, những nhân viên tư vấn tâm lý là những vị trí nằm trong biên chế của trường. Trẻ được học về nhận biết, cách thức phòng chống việc trêu chọc, quấy rối cả trong đời sống hàng ngày lẫn trên mạng, từ người lạ hay chính những người thân quen quanh chúng như bạn bè, gia đình, thầy cô từ những năm tiểu học.

Phạt tù chỉ là bước cuối cùng

Mặc dù được chuẩn bị như vậy, nhưng kết quả của cuộc khảo sát do Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh CDC của Mỹ thực hiện một năm trước, cho thấy, có đến hơn 16% học sinh phổ thông trung học là nạn nhân của việc trêu chọc và quấy rối trên mạng.

Về mặt tâm sinh lý, một nghiên cứu hiện tượng này được công bố trên Tạp chí Sức khoẻ vị thành niên (Journal of Adolescent Health) cho thấy, việc trêu chọc, quấy rối trên mạng có thể gây nên những ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng đối với nạn nhân. Những học sinh là nạn nhân của những hành động trêu chọc, quấy rối trên mạng dễ bỏ học, bị đình chỉ học, rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, hay thường cảm thấy bất an khi ở trường.

Chính bởi những hậu quả đó mà hàng loạt các biện pháp đã được Mỹ áp dụng nhằm ngăn chặn triệt để hiện tượng này. Ngoài việc tăng cường kiến thức cho học sinh, chính quyền các bang còn áp dụng các quy định pháp luật cứng rắn đối với các hành động trêu chọc quấy rối.

Chẳng hạn, cho đến nay đã có 47 bang tại nước Mỹ ban hành các điều luật về xử lý việc quấy rối dưới hình thức sử dụng các phương tiện điện tử. Trong đó 12 bang coi việc quấy rối này là tội hình sự. Ngoài ra các bang khác có các quy định về hình thức phạt, đuổi học đối với các hành vi quấy rối, trêu chọc qua mạng.

Tuy nhiên dù hình thức phạt đuổi học, hay phạt tù chỉ là bước cuối cùng. Và các biện pháp này chỉ có thể thực hiện khi sự việc đã rồi, và những tổn thương về sinh mạng hay tâm lý với trẻ đã thành những vết hằn trong xã hội.

Điều đáng sợ hơn nữa, là các hành động đáng tiếc của các thanh thiếu niên là nạn nhân của việc trêu chọc, quấy rối qua mạng thường khó đoán định. Tâm lý chuẩn bị bước sang ngưỡng cửa trưởng thành khiến các em luôn thấy có trách nhiệm tự mình giải quyết các vấn đề như vậy, cho đến tận khi các em rơi vào bế tắc.

Vậy chúng ta nên làm gì? Cấm không cho trẻ tiếp xúc với công nghệ kỹ thuật, hay mạng xã hội ư? Điều này là phản tác dụng. Ta không thể "bảo bọc" mãi những thanh thiếu niên này như trẻ vài tháng tuổi. Bởi đó cũng là lứa tuổi cần học thêm những kỹ năng học tập, làm việc và sống. Tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật cũng chính là một trong những kỹ năng ấy.

Hơn nữa, ở lứa tuổi tò mò, sẽ chẳng có ai ngăn được các em tìm hiểu. Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo: phòng vẫn hơn chống. Các biện pháp tư vấn tâm lý, giáo dục giới trẻ cách nhận biết, đối phó với những lời lẽ, hành động quấy rối, trêu chọc trên mạng vẫn luôn là biện pháp hữu hiệu hơn cả.

Đã hơn một thập kỷ Internet vào Việt Nam, nhưng cho đến nay hầu như giới trẻ Việt vẫn chưa được chuẩn bị để đối phó với những hành động trêu chọc và quấy rối trên mạng như đã xảy ra với L. Vấn đề "giảm tải" chương trình chính khoá, tăng cường đào tạo kỹ năng sống, cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các em đã tốn không ít giấy mực của báo chí. Nhiều chuyên gia cũng đã đăng đàn để hy vọng góp những tiếng nói vào việc thay đổi phương pháp giáo dục đối với giới trẻ để khi các em "bước chân" vào cuộc sống trưởng thành không lo lắng bị "vấp ngã".

Sự ra đi của L. đã làm dấy lên một loạt những câu hỏi: Liệu trẻ em chỉ cần được ăn uống, có quần áo đẹp, được đến trường đã đủ chưa? Về mặt vật chất "sướng hơn" thời bố mẹ chúng thời thiếu thốn trước đây rồi còn đòi hỏi gì nữa? Việc để mặc cho giới trẻ giải quyết những vấn đề như chuyện trêu chọc và quấy rối trên mạng, chính là chúng ta đã vô tình đẩy trẻ rơi vào sự cô đơn trong một xã hội đông đúc cả ngoài đời và trên mạng.
(Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Báo chí Truyền thông, ĐH Texas tại Austin, Mỹ)
Vũ Tiến Hồng
Nguồn: Tuần VN