Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Mười thứ "duy" đang triệt hạ Giáo Hội - Linh mục cựu mục sư Anh Giáo Dwight Longenecker


7/29/2015 4:17:13 PMGiáo Hội đang bị rất nhiều lực lượng liên kết nhau đánh phá. Linh mục cựu mục sư Anh Giáo Dwight Longenecker liệt kê mười thứ “duy” (isms) đang như những lực lượng từ hành tinh khác tới đánh phá các hữu thể hữu lý của trần gian, nhằm tạo nên nền “độc tài duy tương đối” theo kiểu nói của Đức Bênêđíctô XVI.

DwightLongenecker.jpg

Tất cả 10 thứ “duy” này, mỗi thứ dẫn tới một loại độc tài, nhằm tấn công văn hóa trước nhất nhưng đích điểm sau cùng của nó là Giáo Hội. Linh mục Longenecker bảo rằng đa số chúng ta không nhận ra tính cách thù nghịch của chúng vì lẽ đơn giản này: chúng đã trở thành một phần nền văn hóa của ta. Chúng là không khí ta thở. Chúng là giấy dán tường trang trí nhà cửa ta.

Có nhận ra đôi chút lạc giáo trong chúng, thì chúng vẫn không phải là dối trá hoàn toàn. Chúng là những sự thật một nửa. Thành thử trong mỗi thứ duy này, đều có một điều gì đó lôi cuốn và đúng sự thật. Chúng chỉ trở thành lạc giáo khi bị cắt đứt khỏi một sự thật khác vốn dùng để cân bằng nó, hay khi đứng một mình, tách biệt khỏi mọi điều khác trong hệ thống sự thật.

1. Duy cá nhân - Người chịu ảnh hưởng văn hóa Tây Phương thích những người duy cá nhân nguyên hình, tức những người thích bước về hướng một anh đánh trống khác và tất cả những ai như thế, nhưng khi duy cá nhân bị cắt đứt khỏi bất cứ ý hướng cộng đồng, truyền thống hay sự thật nào, nó chỉ đem đến hỗn loạn. Đã đành mỗi cá nhân đều là một tạo dựng độc đáo và vĩnh viễn của Thiên Chúa, nhưng họ chỉ có thể thực hiện được sự thành toàn của mình nhờ một điều gì đó lớn hơn chính họ. Người duy cá nhân thích biến bài hát của Frank Sinatra “I Did it My Way” thành quốc ca của họ. Duy cá nhân chủ nghĩa hiện lớn mạnh đến nỗi ai cũng cảm thấy mình có thể làm bất cứ điều gì mình muốn miễn không gây hại tới ai khác là được. Đây chính là “kinh tin kính” của phái thờ Satan: “Hãy làm những gì bạn muốn, nhưng đừng làm hại ai”. Câu “đừng làm hại ai” cũng vừa mới được thêm vào “kinh tin kính” của phái thờ qủy để làm họ trở thành “những người lịch thiệp thân thiện” hơn.

2 . Duy cảm xúc – Duy tương đối có nghĩa không hề có những điều như sự thật. Nếu đã không có sự thật, thì chỉ còn mỗi một cách để người ta quyết định tin gì và hành xử ra sao là căn cứ vào cảm xúc của họ. Duy cảm xúc là lạc giáo cho rằng ta có thể xác định mọi việc căn cứ vào cảm xúc của mình. Vấn đề ở đây là nếu không có một hệ thống mạc khải và chân lý, thì các cảm xúc sẽ mau chóng bị giản lược vào hai cảm xúc căn bản và sơ đẳng. Biện phân sự thật thực ra đã đem lại việc định độ (gradation) cho cảm xúc và các xúc động khác mà thôi. Không có sự thật, chỉ còn lại hai thứ: thịnh nộ và ngây ngất. Thành thử trong các xã hội Tây Phương, ta thấy nhiều đoàn lũ người thi nhau chạy theo lạc thú nguyên tuyền một cách hối hả bao nhiêu có thể, nhưng khi điều gì đó không đem lại cho họ lạc thú thì họ nổi trận lôi đình la hét!

Trong đồng văn này, người ta đang sợ rằng lòng thương xót, nếu bị hiểu sai, hiểu theo nghĩa cảm xúc nguyên tuyền, có thể dẫn tới việc phá hủy những tín điều hay giáo huấn căn bản của Giáo Hội trong cuộc tranh luận về mục vụ gia đình hiện nay.

3. Duy dửng dưng - Nếu không có một điều gì đó như sự thật, thì tin gì đâu có quan trọng và thuộc tôn giáo nào cũng đâu có quan trọng. Điều gì nổi lửa thiêu rụi không những Giáo Hội Công Giáo mà cả thế giới Kitô Giáo? Duy dửng dưng! Nếu bạn chọn hệ thống tín ngưỡng của bạn hoàn toàn theo cảm xúc của bạn, thì bất cứ chọn lựa tôn giáo nào cũng đều tốt như các chọn lựa khác. Không cần mất nhiều thì giờ cũng hình dung được rằng nếu hình thức Kitô Giáo nào cũng có giá trị như nhau, thì mọi tôn giáo cũng có giá trị như nhau và nếu mọi tôn giáo đều có giá trị như nhau, thì không có tôn giáo nào cũng thế thôi, cũng giá trị như thế.

4. Duy phổ quát (Universalism) – Duy phổ quát là tin rằng ai cũng lên thiên đàng cả. Duy phổ quát một nửa (Semi-universalism) là hy vọng rằng mọi người đều lên thiên đàng và nếu có địa ngục thì địa ngục vắng tanh như chùa Bà Đanh, không có “ma” nào ở đó cả, mà nếu có “ma” nào ở đó đi chăng nữa, thì cũng chỉ ở đó một thời gian mà thôi! Ta thấy duy phổ quát thực ra chỉ là một hình thức khác của duy dửng dưng. Nếu tin gì là điều không quan trọng và nếu mọi hệ thống tín ngưỡng đều có giá trị ngang nhau, thì hẳn nhiên mọi người phải cùng đi về một cuộc sống đời sau như nhau. Duy tương đối bám rễ thật sâu vào ý niệm của Phái Satan rằng: mọi phân biệt phải bị gột sạch.

5. Duy bình đẳng (Egalitarianism) – Duy bình đẳng không có ý nói tới giá trị nội tại mà mọi con người nhân bản đều có như nhau vì cùng được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Điều này tốt. Tuy nhiên, khi duy bình đẳng mang hình thức chính trị và ý thức hệ, nó phục vụ không phải để duy trì các quyền bình đẳng của người ta, mà là tiêu diệt sự phân biệt giữa người ta. Quan điểm Công Giáo là: mọi người bình đẳng trước mặt Thiên Chúa, nhưng mọi người cũng đều là độc đáo. Mỗi người đều có một vị trí độc đáo trong sự quan phòng của Thiên Chúa và một vị trí đúng đắn trong kế hoạch của Người. Giản lược mọi người vào một mẫu số chung nhỏ nhất luôn luôn là việc làm của bạo chúa. Hãy nhìn khắp các phong trào cách mạng, bạn sẽ thấy họ loại bỏ mọi phẩm giá hợp pháp của cá nhân bằng sức mạnh của chủ nghĩa duy tập thể.

Khỏi nói, cuộc tranh đấu đòi bình đẳng cho các cặp đồng tính rõ ràng đang đưa tới một hình thức độc tài mới: người tôn giáo nào từ khước phục vụ một “đám cưới” đồng tính, nhân danh tự do tôn giáo của mình, sẽ bị trừng phạt: tự do đồng tính tiêu diệt tự do tôn giáo.

6.Duy vật chất - Điều này không có nghĩa mua bán thỏa thích cho tới khi chán chê mệt mỏi không mua bán được nữa mới thôi. Việc này chỉ là hiện tượng của một điều nằm sâu hơn. Duy vật chất là lạc giáo cho rằng không hề có một thế giới siêu nhiên. Nó là thứ duy vô thần mật định (by default). Xã hội Tây Phương đầy những con người, trong đó, nhiều người đi nhà thờ đàng hoàng, chỉ toàn nhìn thấy khía cạnh vật chất của của cuộc đời. Hệ thống tín ngưỡng của họ là “thấy điều gì được điều đó”. Họ cho rằng chỉ những gì nhờ giác quan mà thấy mới có thực. Họ có thể đi nhà thờ, nhưng họ sống và hành xử như thể chẳng có gì khác ngoài thế giới vật chất.

7. Duy khoa học - Thứ duy này có cùng chung cái nhìn với duy vật chất, chỉ coi nhận thức khoa học là nhận thức duy nhất có giá trị. Nếu một điều gì đó không thể chứng minh bằng khoa học thì một là cố tình nói láo hai là chuyện thần tiên, dã sử hoặc chuyện nhân gian. Chủ trương bài tôn giáo, coi mọi người tôn giáo là đồ nhà quê đần độn, ngu dốt, mê tín dị đoan xuất hiện bừa phứa trên truyền thông chính dòng, trong ngành giáo dục cao đẳng và trong nền văn hóa quần chúng. Ít có người dừng lại để khảo sát chủ trương này, và khi hỏi “chứng cớ”, họ không biết ngay cả đây là loại chứng cớ gì. Chủ trương là tất cả. Khoa học là sự thật. Tôn giáo là sai lầm.

8. Duy thực dụng (Utilitarianism) - Điều gì được việc, điều ấy ắt phải tốt. Duy thực dụng cũng phát sinh từ duy vật chất. Nếu không có thiên đàng, hỏa ngục hay phán xét, thì con đường sống là tạo ra của cải vĩ đại nhất cho số người đông nhất. Bất hạnh một điều: xác định điều gì thực sự tốt và rồi làm sao đạt được nó đâu có dễ dàng gì. Thường thường duy thực dụng liên hệ với một thứ ý thức hệ nào đó, thường là kinh tế và chính trị, và “của cải vĩ đại nhất” đã được nhà độc tài áp đặt lên người ta. “Các anh sẽ phải hạnh phúc. Các anh sẽ phải tham dự vào thế giới mới lộng lẫy của chúng tôi. Các anh sẽ phải ủng hộ sự ảo tưởng của chúng tôi”.

Cha Longenecker cho rằng duy thực dụng cũng là một hình thức của duy vật chất. Vì chủ nghĩa này dựa trên chủ trương của Jeremy Bentham(1748 -1832): đau đớn và lạc thú là hai chúa tể cao cả cai quản tác phong con người; nhưng lý thuyết của Bentham dựa trên lý thuyết duy nghiệm (empiricism) của David Hume (1711-1776). Ông này cho rằng: chỉ có thể tin tưởng các kiến thức nhận được từ lý trí của con người và các cảm giác của họ về thế giới vật chất. Hệ luận là: là không có đời sau, không thiên đàng, địa ngục, không phán xét chung, ta hãy tạo thiên đàng nơi hạ giới! Đây dĩ nhiên cũng là lý thuyết của chủ nghĩa Mác và của các con, các cháu và các chắc sau này của nó.

Bên trong Kitô Giáo, đang có những người như cựu linh mục John Dominic Crossan tìm cách chỉ phục hồi một Ông Giêsu lịch sử, trút bỏ mọi nét ông cho là huyền thoại, gần như hiểu là siêu nhiên, trơ trụi chỉ còn là một người phàm bị đóng đinh mà thân xác chắc chắn bị quạ ăn thịt chứ không được nằm trong mộ để sống lại như các Tin Mừng nói. Ông Giêsu này cùng lắm chỉ giúp ta tạo ra một thiên đàng ở trần gian này.

9. Duy sử - Đây là niềm tin cho rằng “lịch sử là chuyện tầm phào” (“history is bunk”, câu nói của Henry Ford, cha đẻ ra dây chuyền lắp ráp, sản xuất hàng loạt, và xe hơi Ford, thực ra có nghĩa: sống trong hiện tại). Kitô hữu tin vào Thiên Chúa Quan Phòng: lịch sử là “Sử của Người” (người Anh chơi chữ: history is “His Story”). Duy sử rút kết luận từ duy tương đối, cho rằng nếu không có sự thật, thì cũng không có Thiên Chúa, và nếu đã không có Thiên Chúa thì làm gì có thứ trình thuật có tính bao trùm cho lịch sử. Điều ta thấy như một mẫu mực hay một kế hoạch chỉ đơn thuần là một cố gắng của ta nhằm áp đặt một thứ ý nghĩa nào đó cho lịch sử mà thôi. Với người duy sử, lịch sử chỉ đơn thuần là một chuỗi nối tiếp tình cờ các biến cố gây ảnh hưởng tới con đường nhân loại đang đi. Một số người trở nên giầu có. Một số người trở nên nghèo mạt. Có những cuộc chiến tranh. Có bên thắng. Có bên thua. Cứ thế. Đàng khác, nếu lịch sử không hề có ý nghĩa nào, thì chính đời sống ta cũng đâu có ý nghĩa gì.

10. Duy tiến bộ - Điều oái oăm là con người hiện đại tin duy sử một đàng, theo đó, không hề có một trình thuật có tính bao trùm nào cho lịch sử, nhưng đàng khác, họ lại tin tiến bộ. Lớn lên với niềm tin vào duy biến hóa (thứ ý thức hệ biến hóa chứ không phải lý thuyết biến hóa có tính khoa học), con người hiện đại cho rằng nhờ biến hóa, ta mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn. Điều gì mới điều ấy phải tốt hơn. Mốt nào, khuynh hướng nào hay ý tưởng nào mới nhất hẳn phải tốt hơn những gì xẩy ra trước đó. Họ vẫn khư khư chủ trương hoang tưởng như thế dù thế kỷ 20 là thế kỷ đẫm máu nhất, dã man nhất, độc ác nhất và gây thảm họa nhất trong lịch sử nhân loại, và thế kỷ 21 đang diễn biến xem ra cũng chẳng tốt hơn gì.

Như đã thưa, các thứ “duy” trên đang phá hoại Giáo Hội của ta vì hiện chúng trở thành một phần nền văn hóa của ta. Phần đông người chịu ảnh hưởng văn hóa Tây Phương, kể cả người Công Giáo, đang sống với các giả thuyết của mười thứ duy trên đây nhưng không hề biết điều đó. Họ chọn lựa điều để tin và cách để hành xử theo duy cá nhân, duy cảm xúc, duy thực dụng…


Vũ Văn An
http://conggiao.info/news/2626/29741/muoi-thu-duy-dang-triet-ha-giao-hoi.aspx
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường


Kon Tum, 29/7/2015
MTC

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Đức Phanxicô: "Chúng ta không được hy sinh mạng sống con người trên bàn thờ tiền bạc"


7/14/2015 8:08:55 AMTrong chuyến đi Nam Mỹ, Đức Phanxicô đã làm mọi người ngạc nhiên về những câu tuyên bố rất cứng rắn của mình về hệ thống kinh tế thế giới và đã xin các dân tộc người thổ dân thứ lỗi cho sự đô hộ thực dân trong quá khứ.
PopeFrancis-1.jpg

Sau đây là một số lời tuyên bố đáng nhớ nhất trong chuyến đi ba nước Ecuador, Bôlivia và Paraguay của ngài.

Về kinh tế:

Ecuador: “Ngày nay một người nghèo chết vì đói, vì lạnh sẽ không còn được xem như một tin tức nhưng nếu chỉ số Chứng khoán của các thị trường chính yếu trên thế giới sụt 2 – 3% thì sẽ được xem như một vụ tai tiếng thế giới.”

Bôlivia: “Chúng ta đừng sợ khi nói: Phải có một sự thay đổi thật sự, một thay đổi các cơ cấu.”

Paraguay: “Chắc chắn, đối với một đất nước, sự tăng trưởng kinh tế và việc tạo ra của cải là thật sự cần thiết nhưng phải làm sao để sự tăng trưởng và giàu có này đến với tất cả mọi công dân, không một ai bị loại trừ, chứ không phải chỉ có lợi cho một nhóm thiểu số.”

Nói với các giám đốc hãng, các chính trị gia, các kinh tế gia, Đức Phanxicô xin họ “đừng theo gương mẫu của một nền kinh tế thờ ngẫu tượng, cần hy sinh mạng sống con người trên bàn thờ tiền bạc và trên lợi nhuận”.



Về chế độ thực dân hóa:

Bôlivia: Đức Phanxicô đã “khiêm tốn xin được thứ lỗi không những chỉ các tấn công của chính Giáo hội nhưng cho cả những tội ác phạm đến các dân tộc thiểu số trong suốt thời gian gọi là chinh phục Châu Mỹ”.




Về nạn tham nhũng:

Paraguay: Đức Phanxicô tố cáo nạn tham nhũng là “ung nhọt của một dân tộc”.



Về quan hệ giữa Giáo hội và dân chúng:

Bôlivia: Đức Phanxicô xin Giáo hội đừng rơi vào tình trạng “lú lẫn thiêng liêng, (Alzheimer thiêng liêng), quên đi nguồn gốc khiêm tốn của mình, đừng đối xử có “giai cấp,” tách rời những người bần cùng nhất. Ngài kêu gọi một “cuộc cách mạng” để phúc âm hóa Châu Mỹ, một “tiếng kêu” để “chữa lành các vết thương và để xây dựng các cây cầu.”



Về bảo vệ môi sinh:

Ecuador: “Một chuyện rõ ràng là chúng ta không thể tiếp tục quay lưng với thực tế, với anh em chúng ta, với Mẹ Trái Đất mà để bị cướp phá, phỉ nhổ, tàn phá mà không bị trừng phạt. (…) Đây không phải chỉ đơn thuần là lời dặn dò, nhưng là một đòi hỏi sau bao nhiêu tổn hại do các lạm dụng và sử dụng vô trách nhiệm”.



Về phụ nữ:

Paraguay: “Tôi xúc động và ngưỡng phục vai trò của phụ nữ Paraguay trong giây phút đau thương của Lịch sử”, ngài tuyên bố như trên khi muốn nói đến cuộc chiến tranh Đồng Minh Ba nước (Triple alliance, 1865-1870). Lúc đó quân đội ba nước Ba Tây, Argentina và Uruguay đã tàn sát hàng loạt nam công dân. Paraguay đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh đẫm máu nhất Nam Mỹ. Trước chiến tranh dân số Paraguay có khoảng 525.000 người, sau 5 năm chiến tranh, năm 1871, dân số Paraguay chỉ còn 221.000 người, trong đó chỉ còn 28.000 nam và Paraguay cũng đã phải nhượng nhiều lãnh thổ rộng lớn cho Ba Tây và Argentina.



Về các ý thức hệ:

Paraguay: “Các ý thức hệ luôn có một hồi kết xấu. Chúng không làm cho dân tộc đứng vững, hãy nhìn những gì xảy ra cho các ý thức hệ của thế kỷ vừa qua, nó luôn luôn kết thúc bằng chế độ độc tài (và ý thức hệ đã chấm dứt).

Về Trung Đông:

Bôlivia: “Ngày hôm nay chúng ta khủng khiếp thấy ở Trung Đông và các nơi khác bao nhiêu anh em Kitô hữu bị bách hại, bị tra tấn,” Đức Phanxicô tuyên bố trong cuộc gặp với các Phong trào Bình dân ở Santa Cruz.

“Và chúng ta cũng phải tố cáo điều này: trong trận chiến tranh thế giới thứ ba từng phần mà chúng ta đang sống, có một loại diệt chủng phải được chấm dứt.”

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 13.07.2015/

Le Point.fr, 2015-07-13)
----------------------------------------

XIN GHI NHẬN THÊM 
NHỮNG CÂU NÓI QUAN TRỌNG NHƯ MỘT THÔNG ĐIỆP
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GỞI ĐẾN MỌI NGƯỜI TRONG CHUYẾN TÔNG DU NAM MỸ THÁNG 7/2015.
---oOo---

Đức Thánh Cha Phanxicô & Tổng Thống Paraguay

Một dân tộc vô tình và không có dấn thân, thụ động chấp nhận những gì đang là, thì đó là một dân tộc chết. 
Chúa luôn luôn bên cạnh những ai góp tay nâng đỡ và cải thiện đời sống của con cái Ngài.
Điều quan trọng là các con, những người trẻ, nhận ra rằng hạnh phúc đích thực đến từ việc làm kiến tạo một thế giới thân ái hơn! Hạnh phúc đích thực đến từ việc nhận ra rằng hạnh phúc và khoái lạc không như nhau. Hạnh phúc mang tính đòi hỏi, cần có dấn thân và nỗ lực. Các con quá sức quan trọng, nên không được thỏa mãn với một kiểu sống mê man mất cảm giác!


Hãy tận tâm cho một việc gì đó, cho ai đó. Đừng sợ mạo hiểm. Đừng sợ trao đi cái tốt đẹp nhất của bản thân mình!
Đối thoại phải được xây dựng trên một sự gì đó. Đối thoại bao gồm và cần có một nền văn hóa gặp gỡ. Một sự gặp gỡ biết rằng sự đa dạng không chỉ là điều tốt, mà còn là điều căn thiết. Vậy nên, chúng ta không thể mở đầu được chuyện gì khi cứ nghĩ là người kia sai lầm. Để tìm kiếm lợi ích chung, thì phải bắt đầu từ chính những khác biệt của chúng ta, không ngừng dành chỗ cho các chọn lựa mới.
Đối thoại không phải là thương lượng. Nhiều lần nền văn hóa đối thoại có thể có cả xung khắc. Điều này hợp lý và đáng mong muốn. Đây không phải là chuyện chúng ta phải e ngại hay bác bỏ. Nhưng đúng ra, chúng ta được kêu gọi hãy giải quyết nó.


Các nền văn hóa đích thực không khép kín trong bản thân, nhưng được kêu gọi gặp gỡ các nền văn hóa khác và tạo dựng những thực tế mới. Không có giả định căn bản này, không có nền tảng huynh đệ thân ái này, thật khó để đi đến đối thoại. Nếu ai đó nghĩ rằng có những con người, nền văn hóa, hay vị trí xã hội thứ cấp, hay thuộc tầng lớp thứ ba, thứ tư, thấp hơn nữa … thì chắc chắn mọi chuyện sẽ thật tồi tệ, bởi người ta không có được điều tối thiểu, chính là sự nhìn nhận phẩm giá của người khác
-  Chúng ta tất cả đều cần tất cả mọi người. và một phần căn bản trong việc giúp đỡ người nghèo hệ tại ở cách chúng ta nhìn nhận họ. Một cách tiếp cận hệ tư tưởng thì thật vô ích, cuối cùng nó lợi dụng người nghèo cho các lợi ích chính trị hay cá nhân. Các hệ tư tưởng đến tận cùng thật tồi tệ, thật vô dụng. Các hệ tư tưởng liên hệ với con người một cách không trọn vẹn, yếu ớt và xấu xa. Các hệ tư tưởng không đón nhận con người … Các hệ tư tưởng huyênh hoang rằng chúng làm mọi sự vì con người, nhưng lại chẳng làm được gì cả!


Để thực sự giúp đỡ cho người nghèo, điều trước hết là chúng ta phải thực sự lo cho con người họ, trân trọng sự tốt lành của họ. Và trân trọng họ cũng có nghĩa là sẵn sàng học từ họ. Người nghèo có nhiều điều để dạy chúng ta về nhân cách, sự thiện, và hi sinh. Là Kitô hữu, chúng ta có một lý do nữa để yêu thương và phục vụ người nghèo, là bởi trong họ chúng ta nhìn ra gương mặt và thân thể Chúa Kitô, Đấng đã tự biến mình nên nghèo để làm giàu cho chúng ta bằng sự nghèo của mình … nếu chúng ta không nhìn vào mắt của người mà chúng ta cho tiền, thì chính là chúng ta không biết cảm kích họ. Chúng ta phải tôn trọng người nghèo và không bao giờ được lợi dụng họ để xoa dịu lương tâm mình. Hãy trân trọng người nghèo vì giá trị đích thực của họ.


Mọi quốc gia cần tăng trưởng kinh tế và tạo của cải, cho mỗi một công dân của mình, không loại trừ ai. Việc tạo nên của cải này phải luôn luôn phục vụ cho lợi ích chung, chứ không phải cho một số người. Tôi mong các bạn đừng phục tùng một kiểu kinh tế thờ ngẫu tượng đang hi sinh mạng sống con người trên bàn thờ tiền bạc và lợi nhuận. Trong các nền kinh tế, kinh doanh và chính trị, điều trước hết và trên hết chính là con người, và môi trường mà con người đang sống.
- Tham nhũng là mưng mủ thối nát của một dân tộc.
Đừng sợ mơ những điều vĩ đại!
Giáo dục là hành động yêu thương, như là trao sự sống vậy.


- Tự do là phúc lành mà tất cả chúng ta giờ đây cùng cầu xin. Vì tự do là một món quà của Thiên Chúa, nhưng cần biết đón nhận tự do ấy, cần có một con tim được giải thoát khỏi bao nhiêu ràng buộc, như sự bóc lột, thiếu các phương tiện sinh sống, nghiện ngập ma túy, sầu muộn.
Tự do là có một con tim không bị ràng buộc, có thể nói và làm điều mình nghĩ và cảm thấy.


Tình bạn là một trong những món quà lớn nhất mà một người, một người trẻ có thể có được và trao tặng. Đúng vậy. Thật là khó sống nếu không có bạn hữu.... Một trong những bí quyết lớn nhất của Kitô hữu là được làm bạn với Chúa Giêsu. Các bạn hữu chịu đựng nhau, tháp tùng nhau, bảo vệ nhau. Chúa cũng làm như vậy đối với chúng ta. Ngài chịu đựng chúng ta.
Giáo Hội là người mẹ có tâm hồn rộng mở biết đón tiếp, đón nhận, nhất là những người đang cần được săn sóc nhiều nhất, những người ở trong tình trạng khó khăn lớn hơn. Giáo Hội là căn nhà đón tiếp. Chúng ta có thể hoạt động tốt đẹp dường nào nếu chúng ta khích lệ nhau học ngôn ngữ hiếu khách, đón tiếp! Bao nhiêu vết thương, bao nhiêu tuyệt vọng có thể chữa trị tại nơi mà người ta cảm thấy mình được đón nhận.


- Hiếu khách đối với người đói khát, người nước ngoài, kẻ trần trụi, người bệnh, tù nhân (Xc Mt 25,34-37), với người phong cùi, bất toại. Hiếu khách đối với những người không nghĩ như chúng ta, không có tín ngưỡng hoặc đã đánh mất. Hiếu khách với người bị bách hại, thất nghiệp. Hiếu khách với những nền văn hóa khác.. hiếu khách với người tội lỗi.
Để tìm thiện ích cho người nghèo, điều đầu tiên là biết lo lắng cho con người của họ, đánh giá họ vì lòng tốt của họ. Nhưng việc đánh giá đích thực đòi hỏi phải sẵn sàng học hỏi nơi họ. Người nghèo có rất nhiều để dạy chúng ta trong lãnh vực nhân bản, lòng tốt, hy sinh. Và ngoài ra kitô hữu chúng ta lại còn có một lý do nữa để yêu thương và phục vụ người nghèo: vì nơi họ chúng ta trông thấy gương mặt và thịt xác của Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo nàn để khiến cho chúng ta giàu có nhờ sự nghèo nàn của Ngài (x. “ Cr 8,9).


Lời cầu nguyện làm nổi bật lên điều mà chúng ta đang sống hay đáng lý ra phải sống trong cuộc sống thường ngày. Ít nhất là lời cầu nguyện không muốn trở thành tha hóa hay chỉ là đồ trang sức… Lời cầu nguyện thúc đẩy chúng ta thực thi và kiểm thực điều chúng ta đọc  trong các thánh vịnh “Chúng ta ở trong tay Chúa là Đấng nâng chúng ta dậy từ rác rưởi” (Tv 112,7) và chúng ta phải làm việc để nỗi buồn sầu vì sự khô cằn của chúng ta biến thành cánh đồng phì nhiêu.
Chính niềm tin nơi Chúa Giêsu khiến cho chúng ta gần gũi với cuộc sống của tha nhân và dấn thân sống tình liên đới. Một đức tin không có tình liên đới là một đức tin chết, một đức tin không có Chúa Kitô, không có Thiên Chúa và không có các người anh em khác. Niềm tin nơi Chúa KItô dấy lên khả năng mơ ước một tương lai mới tốt đẹp hơn, và chiến đấu để thực hiện nó. Tôi khích lệ anh chị em tiếp tục là thừa sai khiến cho đức tin lây lan tới mọi người và ở khắp mọi nơi.



http://conggiao.info/news/810/29483/duc-phanxico-chung-ta-khong-duoc-hy-sinh-mang-song-con-nguoi-tren-ban-tho-tien-bac.aspx
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Tòa Án quốc tế The Hague phân định về quyền tài phán trong tranh chấp Biển Đông

donderdag 9 juli 2015



Wednesday, July 8, 2015 5:40:11 PM 

AMSTERDAM, Hòa Lan (TH) Trước tòa án quốc tế, ngày 8 tháng 7, Philippines khẳng định rằng những tuyên bố chủ quyền nuốt trọn gần cả Biển Đông của Trung Quốc là phi lý và bất hợp pháp, đồng thời cảnh báo về việc Trung Quốc ngày càng “hung hăng” trong hành động.
Trụ sở tòa án quốc tế ở The Hague, Hòa Lan. (Hình:Michel Porro/Getty Images)

Trong một tuần lễ từ 7 đến 14 tháng Bảy, năm thẩm phán tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) trụ sở tại The Hague, Hòa Lan, sẽ nghe điều trần của Philippines về đơn khiếu tố Trung Quốc nạp ngày 7 tháng 12, 2014. Các phiên điều trần đều là họp kín, tuy nhiên tòa chấp thuận đề nghị của Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan cho phép mỗi nước được cử một phái đoàn nhỏ tham gia với tư cách quan sát viên.

Theo lập luận của Philippines thì tòa trọng tài thường trực là nơi hợp lý nhất để giải quyết những tranh chấp giữa các quốc gia căn cứ theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS). Trung Quốc và Philippines ở trong số những nước đã ký kết vào hiệp định này.
Manila cử phái đoàn pháp lý đến Hòa Lan. Luật sư đại diện, Paul Reichler, nói Philippines tin rằng tòa có thẩm quyền tài phán đối với tất cả những khiếu nại mà họ nêu lên.

Trung Quốc không tham dự phiên tòa vì cho là tòa không có thẩm quyền phân xử. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố trong  buổi họp báo hôm Thứ Ba: “Trung Quốc chống tất cả mọi tiến trình phân giải do Philippines đưa ra và sẽ không tham dự."

Trong một văn kiện xác định lập trường đưa ra hồi tháng 12, Trung Quốc nhấn mạnh rằng UNCLOS không đề cập đến tranh chấp vì tối hậu đó là vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia, chứ không phải là quyền khai thác tài nguyên biển.

Luật sư nói rằng vụ án vẫn được tiếp tục xử dù Trung Quốc không tham gia. Ông vững tin rằng cuối cùng tòa sẽ phán định thuận lợi cho Philippines.

Như vậy trong tuần lễ đầu tiên, tòa án sẽ chỉ có quyết định về thẩm quyền tài phán. Luật sư Reichler cũng như cố vấn pháp lý Judith Levine của tòa án từ chối cho biết chi tiết của tiến trình hành động. Nhưng luật sư Reichler cho biết tòa sẽ xác định dứt khoát về quyền tài phán trong vòng 3 tháng. Sau đó việc xét xử cuối cùng sẽ phải qua nhiều năm mới có bản án.

Phán quyết của Tòa Trọng Tài khi ấy có giá trị bắt buộc, nhưng Liên Hiệp Quốc không có một phân bộ đặc nhiệm nào để theo dõi cưỡng chế sự tuân hành, và do đó từ trước đến nay nhiều nước đã bỏ lơ, coi như không có. Tuy vậy, yếu tố tâm lý cùng tính nguyên tắc của bản án vẫn là quan trọng về mặt chính trị và sẽ là một tổn hại nặng cho Trung Quốc về ngoại giao nếu Philippines thắng kiện. Đồng thời, theo nhận định của các chuyên gia pháp lý, kết quả ấy sẽ thành tiền lệ để các quốc gia khác có tranh chấp noi theo hành động.

Điều này thể hiện qua việc dù luôn khẳng định không tham gia phiên phân xử, nhưng  theo tin Reuters, Trung Quốc vẫn ngầm vận động hành lang và liên lạc với tòa trọng tài thường trực thông qua đại sứ của họ tại The Hague.

Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario, cho biết Philippines kiện Trung Quốc bởi vì những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng trở nên “hung hăng” và thương lượng trở nên vô ích, theo AFP. Philippines kiện Trung Quốc về sự lấn chiếm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình và ngăn cản đánh cá ở Biển Đông. Philippines còn yêu cầu tòa tuyên bố đường lưỡi bò 9 đoạn là không có giá trị. (HC)

Nguồn:http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=210023&zoneid=1#.VZ5jAukVi70
http://tulipgarden9.blogspot.com/2015/07/toa-quoc-te-phan-inh-ve-quyen-tai-phan.html